ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 758/KH-UBND
|
Cao Bằng, ngày 26 tháng 3 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH
CAO BẰNG NĂM 2020
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2019
1. Đối với bộ máy chỉ đạo và quản
lý Chương trình: Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo và
bộ phận giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện. Ban Quản lý xã có sự biến động về nhân sự
do tiến độ sáp nhập đơn vị hành chính cấp xóm, xã của tỉnh nhưng vẫn được kiện
toàn kịp thời. Ban Chỉ đạo các cấp đều duy trì hoạt động, phân công thành viên
phụ trách địa bàn cụ thể để chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông
thôn mới theo kế hoạch hằng năm.
2. Công tác tuyên truyền, vận động: Được các cấp, các ngành tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp
với nhiều đối tượng; nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới
đã có chuyển biến rõ rệt; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng
khắp, người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước, tích cực, chủ động tham gia xây dựng quê hương với nhiều cách làm sáng tạo,
huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Cấp tỉnh tổ
chức tuyên truyền được 77 lớp, cho 3.656 học viên tham dự.
3. Công tác kiểm tra, giám sát: tiếp tục được coi trọng, đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn
trong quá trình thực hiện ở cơ sở, nhất là đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách thực
hiện Chương trình. UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao của tỉnh; Bộ tiêu chí thôn đạt chuẩn nông thôn mới của các xã đặc biệt
khó khăn khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh; Ban hành Quy định thực hiện chính
sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
Phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng
đến năm 2030 của tỉnh;... Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của tỉnh.
4. Nguồn lực thực hiện Chương
trình:
a) Nguồn ngân sách Trung ương:
422.200 triệu đồng. Trong đó:
- Vốn đầu tư phát triển là 313.800
triệu đồng (Trong đó có 46.400 triệu đồng vốn dự phòng giai đoạn 2016-2020). Đến
31/12/2019, giải ngân được 262.336 triệu đồng (bằng 83,6%).
- Vốn sự nghiệp là 108.400 triệu đồng.
Đến 31/12/2019, giải ngân được 104.516 triệu đồng (bằng 94,46%).
b) Nguồn ngân sách tỉnh: 56.456 triệu
đồng.
c) Tín dụng: 2.421.000 triệu đồng.
d) Doanh nghiệp, hợp tác xã: 18.469
triệu đồng.
e) Huy động từ cộng đồng dân cư:
40.264 triệu đồng.
g) Nguồn huy động, vận động ủng hộ Quỹ
xây dựng nông thôn mới: Huy động từ cán bộ công chức, lực lượng vũ trang các cấp
được 2.267,55 triệu đồng (Trong đó, cấp tỉnh 700,94 triệu đồng, cấp huyện
1.566,61 triệu đồng), hỗ trợ sửa chữa và mua trang thiết bị cho nhà văn hóa
xóm, xã của các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, các xã khó
khăn,...
5. Kết quả hỗ trợ các xã được phân
công phụ trách theo Quyết định số 952/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của Chủ tịch UBND
tỉnh Cao Bằng
Các đơn vị được giao nhiệm vụ phụ
trách, giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới triển khai nhiều nội dung hỗ trợ
như hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, hỗ trợ vốn để xây dựng các công trình hạ tầng
tại địa bàn, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa, trường học, trao tặng
quà cho các gia đình chính sách, con em có hoàn cảnh khó khăn để tiếp sức đến
trường, huy động Đoàn Thanh niên cơ quan tham gia cùng xã, xóm lao động để làm
đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi, vệ sinh môi trường
nông thôn, tu sửa nhà cửa, thu hoạch mùa màng, cấp phát thuốc, khám, chữa bệnh
miễn phí cho người nghèo...; kết quả huy động được 44.360,7 triệu đồng, cụ thể:
Hỗ trợ bằng tiền mặt 7.105,86 triệu đồng; vật chất khác quy ra tiền 32.514,84
triệu đồng; vật liệu giá trị quy ra tiền 4.740,00 triệu đồng.
6. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí
nông thôn mới tỉnh Cao Bằng
Năm 2019, có thêm 05 xã1 đạt 19 tiêu chí (bằng 83,33% so với kế hoạch), nâng tổng số
xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 20 xã; có 5 xã đạt 15-18 tiêu chí; 66
xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 86 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân của
tỉnh đạt 10,62 tiêu chí/xã (bằng 96,55% so với kế hoạch), tăng 1,07 tiêu chí/xã
so với năm 2018.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ THỰC HIỆN NĂM 2020
1. Mục tiêu:
- Phấn đấu 08 xã đạt chuẩn nông thôn
mới (Xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng; xã Quảng Hưng, huyện Quảng Hòa; xã Đức
Long, huyện Hòa An; xã Lương Can, huyện Hà Quảng; xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang; xã
Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh; xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm; xã Huy Giáp, huyện Bảo
Lạc). Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 20 xã đã đạt chuẩn
nông thôn mới, phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao.
- Số tiêu chí bình quân/xã tăng thêm
từ 1-1,5 tiêu chí so với năm 2019; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 12 tiêu
chí/xã.
- Giảm 11 xã đạt dưới 10 tiêu chí, mỗi
huyện 01 - 02 xã gồm các huyện Thạch An, Hạ Lang, Trùng Khánh (02 xã), Hà Quảng
(02 xã), Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Hòa.
- Mỗi huyện, Thành phố chuẩn hóa công
nhận, chứng nhận ít nhất 01 sản phẩm OCOP cấp huyện (đạt 02 sao). Cấp tỉnh chuẩn
hóa 5 - 10 sản phẩm cấp tỉnh (đạt 03 sao).
- 116 thôn của xã đặc biệt khó khăn
khu vực biên giới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Danh sách các thôn theo Kế
hoạch số 3093/KH-UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh.
- Phấn đấu Thành phố Cao Bằng hoàn
thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
- Cơ bản hoàn thành các công trình
thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn:
Giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của
cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân
dân, thu nhập tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2015.
2. Nhiệm vụ và giải pháp:
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công
tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh công tác truyền thông, thường
xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và
kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại
chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình trên địa bàn tỉnh; sử dụng và phát
huy hiệu quả cổng thông tin điện tử Chương trình MTQG nông thôn mới Cao Bằng.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”;
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy,
chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Các sở, ngành đưa vào chương trình công tác hàng năm các nhiệm vụ của Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nội dung xây dựng nông thôn mới
phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả
Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016 - 2020. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản
xuất nông lâm nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với
chế biến và tiêu thụ, rà soát quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp để sản xuất
hàng hóa tập trung, hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào
nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn
với xây dựng nông thôn mới.
- Triển khai, thực hiện có hiệu quả
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất
theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc
đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân
nông thôn một cách bền vững. Xây dựng các mô hình liên kết chuỗi, phát triển
ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với thực hiện Chương trình OCOP.
- Huy động, lồng ghép, sử dụng tiết
kiệm, có hiệu quả các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở
hạ tầng trực tiếp phục vụ cho người dân trong sản xuất, sinh hoạt;
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn; thực hiện tốt
các chính sách an sinh xã hội.
- Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục
đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng hoàn
thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
- Tăng cường các biện pháp tổ chức,
chỉ đạo thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình (định kỳ,
đột xuất), nhất là các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020.
III. DỰ KIẾN NGUỒN
LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Tổng nguồn lực dự kiến 3.406.560
triệu đồng. Trong đó:
1. Ngân sách Trung ương: 896.560 triệu đồng.
a) Vốn sự nghiệp 202.700 triệu đồng
(đã phân bổ tại Quyết định số 2496/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh
Cao Bằng).
b) Vốn đầu tư phát triển 693.860 triệu
đồng (đã phân bổ tại Quyết định số 2293/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 của UBND tỉnh
Cao Bằng) để thực hiện đầu tư các công trình chuyển tiếp và khởi công mới theo
danh mục dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Dự kiến ngân sách địa phương: 50.000 triệu đồng.
3. Dự kiến vốn Tín dụng: 2.400.000 triệu đồng.
4. Dự kiến huy động từ doanh nghiệp,
hợp tác xã: 20.000 triệu đồng.
5. Dự kiến huy động nguồn lực cộng
đồng và huy động khác: 40.000 triệu đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch này; định
kỳ báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh về tình hình, tiến
độ, kết quả, những khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình
tổ chức thực hiện.
- Triển khai xây dựng kế hoạch sử dụng
vốn đã được UBND tỉnh giao. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện
và các đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ phát triển sản
xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông
thôn.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT, các sở, ngành liên quan, căn cứ các văn bản của Trung ương về thực hiện
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tham mưu cho UBND
tỉnh sửa đổi văn bản do tỉnh ban hành cho phù hợp với văn bản hướng dẫn của Trung
ương;
- Theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ
giải ngân nguồn lực Trung ương và của tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG
xây dựng nông thôn mới;
- Rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh kiện
toàn Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng giai đoạn
2016-2020.
3. Các sở, ban, ngành liên quan:
- Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch
656/KH-UBND ngày 15/3/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình
MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020, có trách nhiệm
triển khai nội dung kế hoạch này; xây dựng kế hoạch sử dụng vốn được UBND tỉnh
giao tại Quyết định số 2496/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 theo quy định và triển khai
sử dụng có hiệu quả;
- Tiếp tục triển khai giúp đỡ xã xây
dựng nông thôn mới theo Quyết định số 952/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của UBND tỉnh.
4. Các
thành viên Ban chỉ đạo căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số
457/QĐ-BCĐ ngày 05/4/2017 của Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu
quốc gia tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020, có trách nhiệm triển khai các nội
dung, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong kế hoạch này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh
theo quy định.
5. UBND các huyện, Thành phố:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình năm 2020. Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch vốn được giao
và hướng dẫn sử dụng kinh phí của Chương trình, triển khai phân bổ vốn cho các
đơn vị trực thuộc theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra cơ sở đảm bảo sử dụng vốn
đúng mục đích, hiệu quả. Triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh
tiến độ thi công các công trình, dự án (vốn đầu tư), các dự án, đề án, kế hoạch
(vốn sự nghiệp) và giải ngân các nguồn vốn đúng quy định.
- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tổ
chức xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2020; tập trung chỉ đạo, vận
động, huy động hỗ trợ nguồn lực giúp đỡ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới
năm 2020.
6. Chế độ báo cáo:
Định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm hoặc
yêu cầu đột xuất, các sở, ban, ngành tham gia thực hiện Chương trình và UBND
các huyện, Thành phố báo cáo UBND tỉnh, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp
và PTNT (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) về tiến độ, kết quả thực
hiện Chương trình. Báo cáo quý, gửi trước ngày 20 của tháng cuối quý; báo cáo 6
tháng gửi trước ngày 20/6/2020; báo cáo năm gửi trước ngày 20/11/2020.
Căn cứ kế hoạch thực hiện Chương
trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng năm 2020, các sở, ngành, các
huyện, Thành phố tổ chức triển khai, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Các bộ: Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT;
- Văn phòng Điều phối nông thôn mới TW;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh; (bản ĐT)
- UBND các huyện, Thành phố; (bản ĐT)
- CVP, các PCVP UBND tỉnh; (bản ĐT)
- VP Điều phối nông thôn mới tỉnh; (bản ĐT)
- Thành viên BCĐ thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh; (bản ĐT)
- Lưu: VT, KT (pvT).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Thảo
|
1
05 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng; xã Vĩnh
Quang, Thành phố Cao Bằng; xã Hoàng Tung, huyện Hòa An; xã Đại Sơn, huyện Phục
Hòa; xã Lê Lai, huyện Thạch An. Xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên không đạt chuẩn
nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.