Kế hoạch 75/KH-UBND năm 2016 triển khai giải pháp quản lý thuế đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn do tỉnh Cà mau ban hành
Số hiệu | 75/KH-UBND |
Ngày ban hành | 03/11/2016 |
Ngày có hiệu lực | 03/11/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Cà Mau |
Người ký | Nguyễn Tiến Hải |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/KH-UBND |
Cà Mau, ngày 03 tháng 11 năm 2016 |
TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Căn cứ khoản 2, Điều 11 Luật Quản lý thuế năm 2006; Công văn số 4679/TCT-KTNB ngày 10/10/2016 của Tổng cục Thuế về việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 17/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Công văn số 6594/UBND-KT ngày 28/9/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chỉ đạo tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn; hoạt động kinh doanh thương mại và kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cụ thể như sau:
Theo số liệu quản lý, toàn tỉnh có trên 4.062 doanh nghiệp đang hoạt động, số thuế GTGT-TNDN phát sinh nộp NSNN bình quân 9 tháng đầu năm 2016 là 210 tỷ đồng, thuế bình quân 51 triệu đồng doanh nghiệp/tháng, trong đó: Cấp tỉnh quản lý 862 doanh nghiệp; cấp huyện, thành phố Cà Mau quản lý 3.200 doanh nghiệp. Một số ngành nghề kinh doanh, kê khai thuế phát sinh đạt thấp như: Hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn 107 doanh nghiệp, số thuế kê khai phát sinh bình quân hàng tháng khoảng 61 triệu đồng, thuế bình quân doanh nghiệp/tháng khoảng 5,2 triệu đồng; 410 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, kim khí điện máy, số thuế kê khai phát sinh hàng tháng bình quân khoản 88,7 triệu đồng, số thuế bình quân doanh nghiệp/tháng là 7,5 triệu đồng; 71 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, với 1.046 xe khách, 172 xe tải, thuế phát sinh bình quân tháng 860 triệu đồng, thuế bình quân doanh nghiệp/tháng 12 triệu đồng và quản lý trên 19.132 hộ lập bộ quản lý thu thuế môn bài, số thuế môn bài phải nộp năm 2016 trên 12,5 tỷ đồng; số hộ thuộc diện nộp thuế GTGT, thuế TNCN lập bộ thuế năm 2016 là 12.710 hộ, số thuế phát sinh phải nộp năm 2016 trên 102,5 tỷ đồng; số thuế bình quân hộ/tháng là 672.220 đồng.
Những năm qua, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp quản lý chống thất thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh như: Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát về đấu tranh phòng, chống các hành vi phạm tội trong lĩnh vực thuế; Quy chế phối hợp quản lý khai thác nguồn thu, chống thất thu và xử lý nợ thuế trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ban hành kèm theo Quyết định số 1800/QĐ-UBND ngày 17/11/2011 của UBND tỉnh; Quyết định số 1353/QĐ-BTC ngày 15/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Công văn số 12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về biện pháp quản lý kinh doanh xăng dầu,... Tuy nhiên, tình trạng gian lận trốn thuế còn diễn biến phức tạp, chủ yếu là hành vi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đầy đủ, sử dụng phiếu tính tiền làm chứng từ thanh toán với khách hàng, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai nộp thuế theo quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phát hiện xử lý nhiều trường hợp bán hàng không xuất hóa đơn, mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận trốn thuế, kê khai doanh thu, mức thuế chưa tương xứng với quy mô kinh doanh, cần phải triển khai ngay các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp đối với doanh nghiệp và tổ chức điều tra, khảo sát doanh thu, mức thuế thực tế so với doanh thu, mức thuế khoán đối với các hộ nộp thuế khoán trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
1. Mục đích
- Tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn; hoạt động kinh doanh thương mại và vận tải hàng hóa, hành khách đảm bảo cơ quan thuế quản lý được 100% người nộp thuế trên địa bàn, nhằm tăng thu NSNN.
- Thông qua công tác kiểm tra, nâng cao tính tự giác, ý thức tuân thủ pháp luật thuế của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải xuất hóa đơn cho người tiêu dùng theo quy định.
2. Yêu cầu
- Công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tuân thủ pháp luật về thuế; không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; đặc biệt, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người nộp thuế, dễ thực hiện, nhưng đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý thuế.
- Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa cơ quan thuế, với các cơ quan chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tự giác hợp tác, thực hiện chủ trương chống thất thu thuế trên địa bàn tỉnh.
1. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động để cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng tuân thủ việc sử dụng hóa đơn khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, nhằm chống thất thu thuế. Trong trường hợp do đặc thù đối với hàng hóa, dịch vụ không thể xuất hóa đơn ngay cho khách hàng thì sử dụng phiếu thu tiền in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, phiếu thu tiền được xem là một loại hóa đơn, phải gửi thông báo phát hành và kèm theo mẫu đến cơ quan thuế quản lý theo quy định.
2. Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát thực tế tại cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn bằng biện pháp kiểm đếm số lượng phòng, số lượng bàn, số lượng khách hàng đang sử dụng các dịch vụ tại cơ sở kinh doanh kết hợp với kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống tệ nạn xã hội đối với các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế không tương xứng với quy mô kinh doanh, có dấu hiệu bất thường, thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế.
3. Tập trung thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn, như: Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn theo hướng dẫn tại Công văn số 4679/TCT-KTNB ngày 10/10/2016 của Tổng cục Thuế; tổ chức đầu mối thu thập thông tin, xác minh đối chiếu thông qua người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hóa đơn, chứng từ theo quy định.
4. Thành lập lực lượng chống thất thu thuế liên ngành, tập trung kiểm tra, giám sát về hóa đơn, chứng từ đối với các doanh nghiệp mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng bằng biện pháp kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa mua vào, bán ra, hàng hóa tồn kho và hàng hóa đang lưu thông trên đường, để tác động các doanh nghiệp tự kê khai thuế đầy đủ, phát hiện vi phạm xử lý nghiêm.
5. Phối hợp kiểm tra, giám sát các phương tiện kinh doanh vận tải, bằng biện pháp giám sát việc đăng ký, đăng kiểm, xác nhận số lượng hàng hóa, hành khách khi phương tiện ra, vào bến; tổ chức kiểm tra, xử lý các phương tiện hoạt động vận tải không đăng ký theo quy định.
6. Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế hạn chế, không thể áp dụng được các biện pháp nêu trên, thì thực hiện phương án quản lý thuế theo ngưỡng và áp dụng biện pháp ấn định thuế theo quy định.
7. Đối với hộ kinh doanh cá thể khoán thuế, tổ chức kiểm tra số hộ kinh doanh trên địa bàn, khảo sát quy mô kinh doanh như: Máy móc, thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất kinh doanh, mặt bằng kinh doanh, số lượng lao động, các khoản chi phí liên quan để xác định lại doanh thu thực tế so với doanh thu, mức thuế khoán, tiến hành điều chỉnh doanh thu, mức thuế đối với các hộ có chênh lệch ngay kỳ lập bộ đầu năm 2017.
8. Kiểm tra, quản lý nội bộ ngành thuế đối với cán bộ thuế quản lý địa bàn; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ ngành thuế; chấn chỉnh, kiện toàn, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành thuế. Đặc biệt, phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cán bộ thuế quản lý chưa sát, thiếu trách nhiệm hoặc sai phạm để thất thu thuế trên địa bàn do mình được phân công quản lý. Các lực lượng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát thực hiện đúng theo quy định chuyên ngành để tăng hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đồng thời các ngành cần phải có sự phối hợp chặt với nhiều lực lượng trong thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; trường hợp xét thấy cần thiết các đơn vị phải trang bị các thiết bị hỗ trợ giám sát trong quá trình thi hành nhiệm vụ thì báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
1. Cục Thuế tỉnh Cà Mau
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất (tùy theo nội dung, đối tượng kiểm tra sẽ mời thành phần tham gia cho phù hợp) và hướng dẫn Chi cục Thuế các huyện, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành theo quy định.
- Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại mục III của Kế hoạch này và xây dựng các chương trình, giải pháp cụ thể phối hợp tổ chức thực hiện theo từng chuyên đề với từng sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố Cà Mau đảm bảo chống thất thu thuế đạt hiệu quả cao nhất.
- Khảo sát, xây dựng doanh thu, mức thuế ngưỡng để áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn quy mô nhỏ, không thực hiện tốt sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ chuyển sang thực hiện kê khai nộp thuế theo phương pháp trực tiếp và thực hiện hiệp thương doanh thu, mức thuế để quản lý thu theo hình thức ấn định thuế.
- Thông báo cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn biết và hiểu rõ chủ trương công tác chống thất thu thuế bằng các biện pháp nêu trên để khi thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ nghiêm các quy định về hóa đơn chứng từ và hợp tác với các đoàn công tác liên ngành trong quá trình thực thi công vụ.