Kế hoạch 73/KH-UBND năm 2018 về nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 73/KH-UBND
Ngày ban hành 30/07/2018
Ngày có hiệu lực 30/07/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Đình Quang
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 7 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Qua rà soát, đánh giá công tác quản lý đầu tư, quản lý vận hành khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như: Số lượng công trình cấp nước không thu được tiền sử dụng nước cao; chất lượng nước ở nhiều công trình không đảm bảo; công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành khai thác công trình chưa được quan tâm đúng mức, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả chưa phát huy hết công suất dẫn đến công trình đưa vào sử dụng khai thác trong thời gian ngắn đã bị hư hỏng xuống cấp, thậm chí dừng hoạt động gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư, quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình hiện có, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân vùng nông thôn.

- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, chuyển dần từ hình thức phục vụ cấp nước sang dịch vụ cấp nước, phát huy tối đa năng lực của công trình, đảm bảo tài chính bền vững cho các đơn vị quản lý khai thác công trình.

2. Mục cụ thể:

- Hết năm 2018: 100% các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành phải được giao cho đơn vị quản lý theo đúng quy định tại Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 và Thông tư số 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 của Bộ Tài chính. Đối với các công trình dừng hoạt động phải có phương án xử lý dứt điểm.

- Đến năm 2020: 100% công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động thu được tiền sử dụng nước, trong đó tối thiểu 70% công trình hoạt động trung bình trở lên.

- Đến năm 2025: 100% các công trình phải cải tạo, nâng cấp mở rộng được hoàn thành, hoạt động trung bình trở lên.

II. YÊU CẦU:

Việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện.

III. NHIỆM VỤ CHUNG:

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, quản lý khai thác và bảo vệ công trình.

2. Tổ chức xử lý các công trình không hoạt động, không có khả năng cải tạo sửa chữa.

3. Xây dựng kế hoạch phục hồi cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình.

4. Xây dựng phương án giá tiêu thụ nước.

5. Nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác công trình.

6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình.

7. Huy động nguồn kinh phí thực hiện.

IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ động nắm bắt tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi bổ sung kế hoạch khi cần thiết.

- Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng phương án xử lý các công trình dừng hoạt động do doanh nghiệp và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được giao quản lý. Trong đó, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất phương án xử lý đối với công trình không có khả năng cải tạo sửa chữa.

[...]