Kế hoạch 729/KH-UBND năm 2017 triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 729/KH-UBND
Ngày ban hành 08/02/2017
Ngày có hiệu lực 08/02/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 729/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 08 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 25/CT-TTG NGÀY 31/8/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả nội dung yêu cầu của Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, các điểm ô nhiễm môi trường tồn lưu.

- Tạo bước chuyển biến căn bản về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

- Nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.

- Các cấp, các ngành tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch; quá trình tổ chức thực hiện phải có sự theo dõi, đánh giá, giám sát và chỉ đạo kịp thời.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng tần suất, thời lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền.

- Xây dựng, đào tạo bồi dưỡng để hình thành mạng lưới tuyên truyền viên môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho các cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ môi trường của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

- Tiếp tục rà soát ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường theo hướng không chấp thuận đầu tư đối với những dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng hoặc loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường; quy chế về phân công, phân cấp trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn; quy định về phân vùng tiếp nhận nước thải, khí thải để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

- Phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, xong trong năm 2017.

3. Tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm

- Tập trung thanh tra, kiểm tra các chủ nguồn thải có có lưu lượng nước lớn và các nguồn thải có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát các nguồn thải để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn thải toàn tỉnh;

- Tổ chức rà soát các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm cao đã được phê duyệt để có điều chỉnh kịp thời. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ dự án, nhà đầu tư tuân thủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động;

- Rà soát, điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động; yêu cầu các chủ nguồn thải lắp đặt và kết nối dữ liệu quan trắc môi trường tự động nước thải, khí thải về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát trực tiếp theo quy định của pháp luật.

4. Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý và huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường.

- Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý về môi trường, ưu tiên cấp huyện, xã; sử dụng nguồn sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng phụ trách công tác bảo vệ môi trường cấp xã.

- Tăng cường đầu tư và hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; triển khai các dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn y tế tại các bệnh viện và trung tâm y tế.

- Tập trung triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung theo hình thức xã hội hóa; đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp, làng nghề; di rời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; di dời các cơ sở chăn nuôi tập trung trong khu dân cư về các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường.

[...]