Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2020 về hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 72/KH-UBND
Ngày ban hành 13/03/2020
Ngày có hiệu lực 13/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Quốc Vinh
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh bàn hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em; nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, gia đình, trường học, cộng đồng xã hội và chính trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường khả năng phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; thúc đẩy hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em thông qua tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể

- 90% cha, mẹ, người giám hộ trẻ em được trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; nhận thức được hành vi mang tính bạo lực, xâm hại đối với trẻ em không phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó hình thành thái độ, hành vi ứng xử phù hợp và tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ em.

- 90% gia đình có trẻ em được cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

- 90% trẻ em từ 5 đến dưới 16 tuổi được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống, nhận diện, phát hiện, thông tin, tố giác và kỹ năng tự bảo vệ trước các hình vi bạo lực, xâm hại tình dục.

- 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm, tổ dân phố được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em và dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 03 cấp độ, trong đó có dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp.

- 100% cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục thực hiện nâng cao năng lực, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, học sinh; 100% cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực, xâm hại cho học sinh; 100% cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cơ sở giáo dục có quy chế phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục. 100% các cơ sở giáo dục thành lập Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh.

- 100% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em; 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, phục hồi kịp thời và đáp ứng nhu cầu an toàn của trẻ em.

- 100% cán bộ ngành Công an làm việc với trẻ em được nâng cao năng lực trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đảm bảo thân thiện, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. 50% cơ quan công an cấp huyện thành lập Phòng điều tra thân thiện với trẻ em.

II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thay đổi nhận thức, tập quán ứng xử, quan niệm xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và nâng cao năng lực, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội nhằm thay đổi nhận thức, quan niệm xã hội, thái độ, hành vi ứng xử với trẻ em. Tăng cường đối thoại về bạo lực, xâm hại với trẻ em thông qua các diễn đàn trẻ em, các cuộc thảo luận tại cộng đồng.

- Truyền thông, cung cấp thông tin và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (số 111).

- Hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc và bản thân trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Từng bước triển khai các chương trình tư vấn, giáo dục về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.

- Xây dựng, biên tập, phát hành các sản phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng, môi trường giáo dục về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

2. Phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục

- Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục cho học sinh, trẻ em.

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên trong cơ sở giáo dục về mối nguy hiểm, cách thức nhận diện và hậu quả của bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm trong việc phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn ngừa các hành vi bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

- Tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch, chương trình giáo dục nhà trường; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, thân thiện, không bạo lực với người học.

- Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

- Hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục; thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường phối hợp: trong giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục.

3. Cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em

- Cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em; củng cố, tăng cường năng lực cho các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là năng lực phòng ngừa, ứng phó, kết nối khẩn cấp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

[...]