VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 70/KH-VKSTC
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 5 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TỔ
CHỨC THI TUYỂN KIỂM TRA VIÊN CHÍNH, KIỂM TRA VIÊN CAO CẤP NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN
DÂN NĂM 2022
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm
2014; Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc
hội quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của Viện
kiểm sát nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 07/QĐ-VKSTC-V15 ngày
22/12/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy
chế thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân
dân;
Căn cứ nhu cầu công tác của Viện kiểm sát theo quy
định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Viện kiểm sát nhân dân tối
cao ban hành Kế hoạch tổ chức thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao
cấp ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC
THI TUYỂN
1. Mục đích
Bổ nhiệm chức danh Kiểm tra viên chính, Kiểm tra
viên cao cấp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp
cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định của
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
Nhằm nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ
công chức ngành Kiểm sát, trong đó có đội ngũ Kiểm tra viên của Viện kiểm sát
các cấp.
2. Yêu cầu
Bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao quản lý thống nhất công tác tổ chức cán bộ trong
Ngành;
Bảo đảm bình đẳng, khách quan, dân chủ, công khai
trong quá trình tổ chức thi tuyển; lựa chọn được người thực sự có phẩm chất đạo
đức, năng lực chuyên môn, đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật tổ chức
Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13 ngày 13/5/2015
của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng
ngạch Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân (sau đây viết tắt là Nghị quyết
số 924/2015/UBTVQH13) để bổ nhiệm Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp;
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngạch chức danh khi được bổ nhiệm.
Nội dung thi phải sát với yêu cầu cần có của mỗi chức
danh; bảo đảm cho các ứng viên phát huy năng lực, kinh nghiệm và trình độ
chuyên môn nghiệp vụ khi tham gia dự thi.
3. Nguyên tắc
Việc tổ chức tuyển chọn, thi tuyển được thực hiện
theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và cạnh tranh (có số dư). Đối
với đơn vị không đảm bảo về nguồn dự thi thì không nhất thiết thực hiện theo
nguyên tắc cạnh tranh.
Người dự thi tuyển Kiểm tra viên cao hơn phải đang
giữ ngạch thấp hơn liền kề hoặc tương đương.
Người đăng ký dự thi có trách nhiệm hoàn thiện hồ
sơ theo quy định trước khi Hội đồng thi tuyển phê duyệt danh sách ứng viên dự
thi.
Người trúng tuyển phải có đủ các bài thi của các
môn thi theo quy định; có số điểm của mỗi bài thi 50 điểm trở lên (chưa nhân hệ
số); có tổng điểm thi cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi
chỉ tiêu mỗi ngạch Kiểm tra viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi được phê
duyệt.
II- NỘI DUNG
1. Số lượng vị trí cần bổ sung
Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp
Trên cơ sở chỉ tiêu số lượng Kiểm tra viên chính,
Kiểm tra viên cao cấp của các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân đã được Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao và nhu cầu cần bổ nhiệm chức danh Kiểm
tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp của mỗi đơn vị năm 2022.
2. Đối tượng tham gia dự thi
2.1. Kiểm tra viên cao cấp: Kiểm tra viên chính, Kiểm
sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Chuyên viên chính đang công tác tại
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (trừ Cơ quan điều
tra).
2.2. Kiểm tra viên chính: Kiểm tra viên, Kiểm sát
viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Chuyên viên đang công tác tại Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh
(trừ Cơ quan điều tra).
2.3. Trường hợp khác (dự thi Kiểm tra viên cao cấp,
Kiểm tra viên chính), căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và công tác tổ chức cán bộ, Ban
cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.
3. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng
ký dự thi
3.1. Ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các
tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của từng ngạch như sau:
3.1.1. Đối với Kiểm tra viên cao cấp
a) Đảm bảo các tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên
quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13;
b) Đang giữ ngạch Kiểm tra viên chính hoặc tương
đương (Kiểm sát viên trung cấp, Điều tra viên trung cấp, Chuyên viên chính) và
đã có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên chính từ đủ 05 năm trở lên (tính đến
ngày 31/12/2022); trường hợp đã có thời gian giữ ngạch chức danh tư pháp khác
tương đương thì thời gian giữ ngạch đó được tính vào thời gian giữ ngạch Kiểm
tra viên chính;
c) Có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính
trị.
3.1.2. Đối với Kiểm tra viên chính
a) Đảm bảo các tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên
quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 924/2015/UBTVQH13;
b) Đang giữ ngạch Kiểm tra viên hoặc tương đương
(Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên sơ cấp, Chuyên viên) và đã có thời gian giữ
ngạch Kiểm tra viên từ đủ 05 năm trở lên (tính đến ngày 31/12/2022), trường hợp
đã có thời gian giữ ngạch chức danh tư pháp khác tương đương thì thời gian giữ
ngạch đó được tính vào thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên;
c) Là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
3.2. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện của từng ngạch
nêu trên, các ứng viên đăng ký dự thi tuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều
kiện sau:
- Được cơ quan, đơn vị nhận xét, đánh giá quá trình
công tác liên tục trong 03 năm trước đó (2019, 2020, 2021) hoàn thành tốt nhiệm
vụ trở lên, trường hợp trong 03 năm trước đó có 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ
hoặc hoàn thành nhiệm vụ thì phải có ít nhất 01 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi
đua cơ sở trở lên thì được xem xét; được tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan,
đơn vị nơi ứng viên công tác đồng ý và thống nhất cử ứng viên đăng ký tham gia
dự thi tuyển;
- Được cấp ủy hoặc chính quyền cơ sở nơi ứng viên
cư trú thường xuyên (12 tháng trở lên) nhận xét tốt về việc chấp hành pháp luật
của ứng viên và gia đình tại nơi cư trú;
- Không trong thời gian xem xét hoặc bị thi hành kỷ
luật;
- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân được cơ quan có
thẩm quyền xác nhận, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức theo quy định.
4. Hồ sơ ứng viên đăng ký dự
thi
- Đơn đăng ký dự thi tuyển;
- Tờ trình về việc cử người có đủ điều kiện, tiêu
chuẩn và khả năng để dự thi tuyển;
- Sơ yếu lý lịch của công chức (khai theo mẫu quy định
không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền
quản lý công chức;
- Bản kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất;
- Nhận xét, đánh giá của lãnh đạo và cấp ủy cơ
quan, đơn vị;
- Bản sao có công chứng về trình độ cử nhân luật và
nghiệp vụ kiểm sát (đối với người dự thi không giữ ngạch Kiểm tra viên, Kiểm
sát viên tại thời điểm đăng ký dự thi); về trình độ lý luận chính trị (đối với
người dự thi Kiểm tra viên cao cấp);
- Bản sao các Quyết định liên quan của cá nhân (được
cơ quan có thẩm quyền chứng thực), gồm: Quyết định tuyển dụng công chức, quyết
định bổ nhiệm ngạch công chức hiện giữ và tương đương (nếu có);
- Nhận xét đánh giá của cấp ủy hoặc chính quyền nơi
cư trú;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền
cấp (có giá trị trong thời hạn 12 tháng).
5. Quy trình tổ chức thi tuyển
5.1. Thông báo kế hoạch thi tuyển
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo công khai
Kế hoạch thi tuyển này đến các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương.
Căn cứ Quyết định số 216/QĐ-VKSTC ngày 17/12/2019 của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giao chỉ tiêu Kiểm tra viên
các ngạch của Viện kiểm sát nhân dân; trên cơ sở Kế hoạch này, các đơn vị thuộc
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát
nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát và báo cáo về Viện kiểm sát
nhân dân tối cao trước ngày 18/5/2022 về số lượng Kiểm tra viên cao cấp,
Kiểm tra viên chính hiện có của đơn vị và số lượng cần bổ sung năm 2022 để Viện
kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt; đồng thời chọn cử người đủ điều kiện, tiêu
chuẩn dự thi và có hồ sơ tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao trước ngày 31/5/2022.
5.2. Hình thức, nội dung, thời gian và địa điểm
thi, cách tính điểm thi
- Hình thức thi: thi môn chuyên ngành, hình thức
thi viết 180 phút và thi trắc nghiệm 60 phút.
- Nội dung thi: Kiến thức liên quan đến cơ cấu tổ
chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; chức trách, nhiệm
vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính (theo các lĩnh vực
của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, hình sự, dân sự, hành chính
và các văn bản liên quan đang có hiệu lực thi hành).
- Thời gian thi: Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ
có thông báo cụ thể sau.
- Địa điểm thi:
+ Tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đối với ứng
viên của đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp
cao, các tỉnh từ Quảng Trị trở ra (thi Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp).
+ Tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát
tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với ứng viên của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở
vào (thi Kiểm tra viên chính)
- Cách tính điểm: Bài thi được chấm theo thang điểm
100 đối với mỗi hình thức thi (điểm thi viết: 100, tính hệ số 2; điểm thi trắc
nghiệm: 100, tính hệ số 1).
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội đồng thi chỉ đạo, tổ chức kỳ thi đúng quy định,
đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
2. Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ đăng ký dự thi
tuyển; tổng hợp danh sách đăng ký dự thi tuyển trình Hội đồng thi tuyển xét tuyển
người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi.
3. Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Kế
hoạch - Tài chính, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng
nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan có trách
nhiệm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất và công chức tham gia để triển khai các
hoạt động của Hội đồng thi tuyển.
4. Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Hiệu
trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh
căn cứ danh sách người dự thi tuyển, thời gian đã được Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao phê duyệt để triệu tập người dự thi tuyển; thu, nộp phí dự
thi; chuẩn bị các điều kiện về chỗ ăn, nghỉ và các điều kiện khác cho người dự
thi tuyển; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức thi tuyển theo quy định.
5. Căn cứ Kế hoạch này, Thủ trưởng các đơn vị thuộc
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức quán triệt
và thực hiện đúng yêu cầu theo Kế hoạch này.
6. Người dự thi tuyển: Nộp hồ sơ dự thi tuyển theo
quy định và nộp phí dự thi theo quy định tại Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày
28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng
phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Căn cứ Kế hoạch này, Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Đại
học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố
Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ
được giao, bảo đảm nội dung yêu cầu và tiến độ thời gian đề ra. Trong quá trình
thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao
(qua Vụ Tổ chức cán bộ) để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Thành viên Hội đồng thi tuyển KTV;
- Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSNDTC;
- Viện trưởng VKSNDCC, VKSND
tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Báo, Tạp chí, Trang tin điện tử
VKSNDTC;
- Lưu: V15, VT.
|
VIỆN TRƯỞNG
Lê Minh Trí
|