Kế hoạch 67/KH-UBND năm 2017 triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 67/KH-UBND
Ngày ban hành 27/04/2017
Ngày có hiệu lực 27/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 27 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI GIẢI QUYẾT HỒ SƠ TỒN ĐỌNG ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

Căn cứ tình hình thực tế hồ sơ tồn đọng người có công trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Căn cứ các quy định văn bản của pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để xem xét, đề nghị xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng còn tồn đọng trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã nhằm đảm bảo việc giải quyết chế độ được đầy đủ, đúng đối tượng theo quy định;

- Qua triển khai thực hiện việc giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng còn tồn đọng, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Việc thẩm định, xác nhận các hồ sơ không phải hồ sơ tồn đọng được tiến hành thường xuyên và theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công.

- Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động, ý kiến của cộng đồng nhân dân, đồng thời phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong minh bạch kết quả giải quyết hồ sơ.

- Đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt tại bước xét duyệt ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng

Trong năm 2017, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đáp ứng các yêu cầu sau:

a. Đã lập trước ngày 01/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

b. Đang lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

2. Không xem xét đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng (không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật).

3. Một số quy định chung

- Trách nhiệm, thẩm quyền lập hồ sơ, xác nhận và giải quyết chế độ thực hiện theo các quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản quy định của Bộ, ngành trung ương về đối tượng người có công.

- Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng phải được thực hiện ở địa phương nơi đối tượng tham gia cách mạng hoặc nơi cư trú trước khi tham gia cách mạng (trường hợp hoạt động thoát ly). Trường hợp người có công hoặc người lập hồ sơ đã chuyển tới nơi cư trú ở địa phương khác thì địa phương nơi lập hồ sơ trước đây có trách nhiệm xem xét, giải quyết, không chuyển hồ sơ tới nơi cư trú mới để giải quyết tồn đọng.

- Ban Chỉ đạo, Hội đồng xác nhận người có công cấp xã được thành lập có sự tham gia đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể theo quy định tại Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, đảm bảo sự minh bạch, công khai thông qua việc làm rõ thêm các nội dung trong hồ sơ người có công để đưa ra các đề xuất, kiến nghị phù hợp.

- Ban Chỉ đạo, Hội đồng xác nhận người có công họp công khai; biên bản cuộc họp chỉ có giá trị khi có đủ số thành viên dự họp và ký biên bản thống nhất đề nghị xác nhận. Tránh trường hợp không tổ chức họp mà các thành viên ký tên vào biên bản xét duyệt hồ sơ.

- Chỉ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét những trường hợp mà qua các bước họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã, Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh và qua niêm yết, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng mà không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo. Các trường hợp còn lại, Ban Chỉ đạo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền cấp trên để chỉ đạo tiếp tục xử lý.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Cấp tỉnh

a) Thành lập Ban chỉ đạo xác nhận người có công do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối Văn hóa - xã hội làm Trưởng ban; đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đồng chí Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm Phó Trưởng ban.

[...]