Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2018 tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2021

Số hiệu 66/KH-UBND
Ngày ban hành 29/06/2018
Ngày có hiệu lực 29/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 29 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2021

Căn cứ Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI);

Căn cứ Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021;

Căn cứ Quyết định số 1318/QĐ-LĐTBXH ngày 22/8/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”;

Thực hiện Văn bản số 2291/LĐTBXH-PC ngày 09/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tiếp tục thực hiện Đề án 31 đến năm 2021,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung 

- Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến pháp luật cho cán bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động và các luật khác có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

1.2. Mục tiêu cụ thể 

Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt các mục tiêu sau:

- Phấn đấu đạt từ 95% trở lên người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; trên 80% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, pháp luật về lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan như: Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Công đoàn; Luật Hợp tác xã với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

- 100% người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định khác của pháp luật có liên quan tới quyền và nghĩa vụ của người lao động như: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động của nước sở tại.

 2. Yêu cầu

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải thực hiện thường xuyên, kịp thời, phù hợp từng đối tượng, chú trọng phổ biến các quy định pháp luật cụ thể để nâng cao tính hướng dẫn thực hiện.

- Sử dụng có hiệu quả các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, khai thác tốt tủ sách pháp luật. Phát huy trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến huyện và các đơn vị, doanh nghiệp.

- Phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Đề án 31 với công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Xây dựng, ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2021; Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiền Đề án cho từng năm.

2. Căn cứ tài liệu nguồn, tổ chức biên soạn tài liệu chi tiết phổ biến, giáo dục pháp luật lao động và pháp luật có liên quan cho doanh nghiệp và người lao động trong tỉnh; liên tục cập nhật, bổ sung các nguồn tài liệu mới; biên soạn, phát hành tờ rơi, sách hỏi đáp pháp luật bỏ túi... tới tay người lao động; xây dựng cụm panô, áp phích để tuyên truyền cổ động trực quan về chính sách lao động ngay tại doanh nghiệp.

3. Tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cán bộ làm công tác nhân sự tại các doanh nghiệp; chuyên viên tư vấn pháp luật lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; cán bộ làm công tác lao động - việc làm tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, hoà giải viên lao động cấp huyện (gọi chung là đội ngũ nòng cốt).

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trực tiếp tại doanh nghiệp; hướng dẫn cho cấp huyện và doanh nghiệp tổ chức các lớp tuyên truyền trực tiếp pháp luật lao động và pháp luật có liên quan cho người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn của doanh nghiệp, thành viên hợp tác xã và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn.

5. Định kỳ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh về các nội dung có liên quan đến người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.

6. Củng cố và kiện toàn lực lượng hoà giải viên lao động cấp huyện; phát huy năng lực hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động tỉnh.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người sử dụng lao động sát hơn với thực tiễn.

[...]