Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 6591/KH-UBND năm 2018 về trợ giúp đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk năm 2019

Số hiệu 6591/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2018
Ngày có hiệu lực 07/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Tuấn Hà
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6591/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 07 tháng 08 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRỢ GIÚP ĐÀO TẠO CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐẮK LẮK NĂM 2019

Thực hiện Công văn số 4794/BKHĐT-PTDN ngày 13/7/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Kế hoạch trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2019,

Căn cứ hướng dẫn tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Thông tư 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài Chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; UBND tỉnh Đắk Lắk xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí ngân sách trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV tỉnh Đắk Lắk năm 2019 như sau:

I. Đánh giá tình hình thực hiện trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018:

1. Tình hình trợ giúp đào tạo cho DNNVV 06 tháng đầu năm 2018:

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức về quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6550/KH-UBND ngày 21/8/2017 về việc trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV năm 2018. Theo nội dung Kế hoạch, dự kiến trong năm 2018 tỉnh sẽ tổ chức 07 khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 579,4 triệu đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ là 173,6 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 128,3 triệu đồng; còn lại 277,5 triệu đồng từ nguồn tài trợ, huy động bên ngoài và từ nguồn thu phí của học viên tham gia lớp học).

Tuy nhiên, thực tế đến nay nguồn vốn Trung ương chưa bố trí, đồng thời việc huy động từ các nguồn vốn bên ngoài rất hạn chế, hiện nay ngân sách tỉnh chỉ cân đối và bố trí cho Kế hoạch trợ giúp đào tạo năm 2018 là 140 triệu đồng, đáp ứng khoảng 24% nhu cầu Kế hoạch 2018. Với nguồn kinh phí đã bố trí, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn gửi Thông báo chiêu sinh đến các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan để đăng ký tham gia khóa đào tạo tập huấn về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Dự kiến tháng 8 - 9/2018, tỉnh sẽ tổ chức 02 khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh cho các DNNVV với khoảng 100 học viên tham gia, nội dung đào tạo tập trung vào các chuyên đề về khởi sự kinh doanh, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị sản xuất, các kỹ năng trong đàm phán và ký kết hợp đồng; phổ biến, cập nhật kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định hiện hành về đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp...

2. Thuận lợi, khó khăn hạn chế trong quá trình thực hiện:

a. Thuận lợi:

- Công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV.

- Chương trình khung về trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV được thiết kế phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp; đội ngũ giảng viên có năng lực, và giàu kinh nghiệm thực tiễn.

- Chủ doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, thông qua việc tham gia tích cực, đầy đủ các khóa đào tạo và mong muốn được tham gia nhiều khóa đào tạo trong tương lai.

b. Khó khăn, hạn chế:

Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp tuy đã được thực hiện nhưng kết quả chưa như mong đợi, số lượng người được đào tạo chưa được nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn thấp so với nhu cầu, xuất phát từ các nguyên nhân:

- Nguồn vốn bố trí cho hoạt động trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực DNNVV hạn chế. Trong các năm qua, nguồn vốn Trung ương không bố trí cho địa phương trong khi đó, ngân sách tỉnh còn khó khăn nên chưa đảm bảo nhu cầu kinh phí mà Kế hoạch đề ra.

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh còn khó khăn, chưa chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị dẫn đến việc thu học phí từ học viên rất hạn chế.

II. Kế hoạch thực hiện trợ giúp đào tạo năm 2019:

1. Mục tiêu trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV năm 2019:

Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 gắn với thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và các Nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định 34/2018/NĐ-CP, Nghị định 38/2018/NĐ-CP và Nghị định 39/2018/NĐ-CP), phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp của địa phương; đồng thời, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, cung cấp cho doanh nghiệp những kiến thức thiết thực trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp đúng theo quy định của pháp luật góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng, ổn định, an toàn, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững cho các DNNVV, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

2. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV năm 2019:

Trong 06 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 488 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước) ngoài ra còn có 55 chi nhánh, 23 văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký hoạt động, 138 doanh nghiệp hoạt động trở, 688 doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại tỉnh theo hình thức thành lập chi nhánh. Đến nay, tổng số doanh nghiệp còn hoạt động trên địa bàn tỉnh khoảng 7.877 doanh nghiệp.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng hướng tới mục tiêu phát triển phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 10.000 - 12.000 doanh nghiệp hoạt động, xây dựng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó có khoảng 10% doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, nguồn lực mạnh.

Căn cứ tiềm năng thế mạnh và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn có liên quan, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch trợ giúp đào tạo cho DNNVV năm 2019 như sau:

- Số khóa đào tạo dự kiến: 07 khóa, tổng số học viên tham gia 280 học viên, trong đó 01 khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp, 06 khóa quản trị kinh doanh (trong đó có 02 khóa đào tạo chuyên sâu về quản trị tài chính - kế toán thuế dành cho đối tượng là hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp).

- Đối tượng tập huấn: Chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý DNNVV và các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh có nguyện vọng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại tỉnh.

- Nội dung khóa đào tạo:

+ Đào tạo khởi sự doanh nghiệp: Đào tạo bồi dưỡng khởi sự thành lập doanh nghiệp, cung cấp những thông tin cần thiết về hệ thống pháp luật chung về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; kiến thức và kỹ năng cần thiết thành lập doanh nghiệp; kiến thức và kỹ năng lập chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh; kỹ năng tổ chức sản xuất và vận hành doanh nghiệp; kiến thức và kỹ năng gia nhập thị trường và maketing trong khởi sự doanh nghiệp; quản trị tài chính trong doanh nghiệp...

[...]