Kế hoạch 651/KH-UBND năm 2017 thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 651/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2017
Ngày có hiệu lực 03/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Đặng Minh Hưng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 651/KH-UBND

Bình Dương, ngày 03 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật;

Thực hiện Công văn số 2534/LĐTBXH-BTXH ngày 07/7/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Quyết định 1100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện Công ước góp phần thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

- Các cấp, các ngành tăng cường thúc đẩy, bảo vệ đảm bảo cho người khuyết tật được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền của công dân và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có đối với họ.

2. Yêu cầu:

- Tôn trọng nhân phẩm vốn có, quyền tự chủ cá nhân trong đó có tự do lựa chọn và tôn trọng sự độc lập của cá nhân; không phân biệt đối xử; tham gia và hòa nhập đầy đủ, có hiệu quả vào xã hội; tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khuyết tật là bộ phận của dân tộc có tính đa dạng; bình đẳng về cơ hội; dễ tiếp cận; bình đẳng giữa nam và nữ; tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền của trẻ em khuyết tật được giữ gìn bản sắc của riêng mình.

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch phải chủ động, kịp thời, đồng bộ, có lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát huy toàn diện trách nhiệm của các ngành, các cấp tham gia tổ chức thực hiện Công ước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan.

- Các sở, ngành được giao chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong Kế hoạch phải xây dựng chương trình thực hiện cụ thể và tổ chức triển khai đúng tiến độ, bảo đảm hiệu quả.

- Bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương; kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước và Luật Người khuyết tật

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước và pháp luật Việt Nam liên quan đến người khuyết tật, trong đó chú trọng các vấn đề sau:

- Rà soát, lồng ghép nội dung về người khuyết tật vào các chương trình, đề án, dự án truyền thông.

- Tuyên truyền các chính sách trợ giúp người khuyết tật, quyền và trách nhiệm của người khuyết tật đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, gia đình và bản thân người khuyết tật; tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử đối với người khuyết tật là phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số.

- Nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật và những người khuyết tật tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, những hoạt động có hiệu quả trong việc trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

- Tăng cường truyền thông về người khuyết tật nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Ngày người khuyết tật thế giới (3/12) hàng năm.

b) Xây dựng tài liệu tuyên truyền; tổ chức đào tạo, tập huấn công tác truyền thông đối với người khuyết tật về các nội dung: thái độ, cách ứng xử đối với người khuyết tật, nhu cầu hỗ trợ người khuyết tật, luật pháp, chính sách và các chương trình liên quan trợ giúp người khuyết tật.

2. Rà soát, nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, các dịch vụ bưu chính viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông và trợ giúp pháp lý bảo đảm phù hợp Công ước và pháp luật Việt Nam.

3. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về người khuyết tật

a) Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng:

- Người khuyết tật có quyền hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất đã đạt được mà không có sự phân biệt nào, các cơ sở y tế tạo mọi biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với lứa tuổi, trong đó có phục hồi về y tế. Cung cấp cho người khuyết tật sự chăm sóc và chương trình y tế cùng loại, cùng chất lượng, cùng tiêu chuẩn miễn phí hoặc giá thành vừa phải như đối với những người khác, trong đó có các chương trình giới và sức khỏe sinh sản cũng như các chương trình sức khỏe cộng đồng.

- Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; cơ sở y tế lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật; khám chữa bệnh cho người khuyết tật phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.

- Bảo đảm việc tiếp cận được các dịch vụ y tế đối với người khuyết tật tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng; xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên, ưu đãi người khuyết tật về sử dụng dịch vụ y tế, về giá dịch vụ y tế tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

[...]