ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6456/KH-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
30 tháng 6 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
PHÁT
TRIỂN HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2023
Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của
Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật (Nghị định số
72/2012/NĐ-CP);
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm
2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 749/QĐ-TTg);
Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số
và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 411/QĐ-TTg);
Căn cứ Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27/3/2023 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế
Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số
298/QĐ-TTg);
Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 318/QĐ-TTg);
Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/10/2021 của Tỉnh
ủy Khánh Hòa về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng
đến năm 2030 (Nghị quyết số 16-NQ/TU);
Căn cứ Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 07/3/2023 của
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định quản lý, xây dựng và sử dụng chung hạ tầng
kỹ thuật viễn thông, hạ tầng kỹ thuật viễn thông với hạ tầng kỹ thuật khác trên
địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Quyết định số 500/QĐ-UBND);
Căn cứ Công văn số 3205/CVT-PTHT ngày 01/8/2022 của
Cục Viễn thông về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng số tại địa
phương;
Căn cứ Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông của
các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương, xét đề nghị
của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ Trình số 1182/TTr-STTTT ngày 21/4/2023,
báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 1562/STTTT-CNTTBCVT
ngày 25/5/2023; UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2023, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh
để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời cụ thể hóa và triển khai
có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển
đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số
411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược
quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm
2030; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết
số 16-NQ/TU ngày 19/10/2021 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về chuyển đổi số tỉnh Khánh
Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
b) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp và phát triển hạ tầng
viễn thông trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ
cao, vùng phủ rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
c) Xây dựng và phát triển mới hạ tầng viễn thông thụ
động trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng cường chia sẻ, dùng chung hạ tầng nhằm
tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ cảnh quan, môi
trường.
2. Yêu cầu
a) Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động
phải bám sát quan điểm, định hướng lớn, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và hoàn
thành các mục tiêu tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, Quyết định số 411/QĐ-TTg, Quyết
định số 318/QĐ-TTg và Nghị quyết số 16-NQ/TU.
b) Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được phát
triển với năng lực cao, nâng cao chất lượng mạng di động băng rộng 4G, mạng lưới
di động băng rộng thế hệ thứ 5 (5G); kết hợp đầu tư, nâng cấp các công trình hạ
tầng ngầm, ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi, mở rộng lắp đặt các điểm truy cập
wifi và phát triển hạ tầng viễn thông thụ động làm nền tảng xây dựng chính quyền
số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số; đồng thời bảo đảm mọi
người dân đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng
cao, giá cước phù hợp.
c) Tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên
ngành Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai xây dựng phát triển hạ tầng
viễn thông băng rộng, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
d) Tăng cường việc đầu tư hạ tầng viễn thông thụ động
theo hình thức xã hội hóa, cho các doanh nghiệp thuê sử dụng chung hạ tầng kỹ
thuật viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông, giảm chi phí đầu tư hạ tầng
và đảm bảo mỹ quan đô thị.
đ) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, địa
phương và đơn vị có liên quan trong việc xây dựng các giải pháp phát triển hạ tầng
kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Khánh Hòa.
II. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG VIỄN
THÔNG
1. Các chỉ tiêu sử dụng dịch vụ viễn thông
Trên cơ sở hiện trạng hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh
và các số liệu thu thập được qua báo cáo của các doanh nghiệp, chỉ tiêu phát
triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2022 đạt được như sau:
- Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động băng rộng
4G (%): 98%.
- Số thuê bao truy nhập Internet băng rộng di động/100
dân (%): 92%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng
cáp quang (%): 87%.
- Tỷ lệ người sử dụng Internet: 74%.
2. Hiện trạng hạ tầng mạng viễn thông
a) Hiện trạng hạ tầng mạng ngoại vi
- Hiện trạng mạng cáp treo:
+ Tổng số tuyến cáp treo là 400 tuyến với tổng chiều
dài tuyến là 3.900 km.
+ Tại khu vực trung tâm thành thị, nhà mạng không
được cấp phép thi công xây dựng cột để treo cáp viễn thông mà được thuê dùng
chung cột điện lực để treo cáp viễn thông.
- Hiện trạng mạng cáp ngầm:
+ Tổng số tuyến cáp ngầm là 340 tuyến với tổng chiều
dài tuyến là 1.410 km.
+ Tổng số km của tuyến đường phố của tỉnh Khánh
Hòa: 4.495 km, tổng số km tuyến đường phố đã được ngầm hóa cáp viễn thông: 625
km, tỷ lệ các tuyến đường phố có cáp viễn thông ngầm là 14%.
b) Hiện trạng hạ tầng thông tin di động
- Tổng số trạm thu phát sóng thông tin động di động
là 2.092 trạm, trong đó có 91 trạm BTS có cột ăng ten loại A1 (đạt tỷ lệ 4,3%),
427 trạm BTS dùng chung giữa các nhà mạng (đạt tỷ lệ 20,4%), tỷ lệ trạm BTS
phát sóng của các mạng công nghệ: 2G đạt tỷ lệ 58%, 3G đạt tỷ lệ 72%, 4G đạt tỷ
lệ 93% và 5G đạt tỷ lệ 0,2%
- Hiện nay, MobiFone và Viettel là 02 nhà mạng được
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép triển khai thử nghiệm phát sóng thông tin
di động mạng 5G, tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố Nha Trang.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG
KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG NĂM 2023
1. Mục tiêu cơ bản
Trên cơ sở hiện trạng hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh
và các số liệu thu thập được qua báo cáo của các doanh nghiệp, mục tiêu phát
triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2023, cụ thể như sau:
- Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động băng rộng
4G (%): 100%.
- Số thuê bao truy nhập Internet băng rộng di động/100
dân (%): 96%.
- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng kết nối băng rộng cố định
FTTH (%): 88%.
- Tỷ lệ người sử dụng Internet: 78%.
- Phát sóng chính thức và mở rộng mạng di động băng
rộng 5G.
- Giảm số lượng người chỉ sử dụng (ID) điện thoại
2G xuống dưới 5%.
- Bám sát và thực hiện đúng lộ trình tắt sóng 2G của
Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Kế hoạch phát triển hạ tầng mạng cáp viễn
thông
- Xây dựng, lắp đặt 19 tuyến cống, bể có tổng chiều
dài 40,68 km để bố trí, dùng chung tuyến cáp quang của các doanh nghiệp.
+ Thành phố Nha Trang: 29,17 km.
+ Thành phố Cam Ranh: 4,05 km.
+ Thị xã Ninh Hòa: 5,61 km.
+ Huyện Diên Khánh: 0,65 km.
+ Vạn Ninh: 1,20 km.
- Xây dựng, lắp đặt 82 tuyến cáp treo có tổng chiều
dài 328,9 km, trong đó:
+ Thành phố Nha Trang: 89,4 km.
+ Thành phố Cam Ranh: 24,2 km.
+ Thị xã Ninh Hòa: 53,8 km.
+ Huyện Diên Khánh: 81,2 km.
+ Huyện Cam Lâm: 25,3 km.
+ Huyện Khánh Vĩnh: 36,8 km.
+ Huyện Khánh Sơn: 18,2 km.
- Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, xem xét tính phù hợp
với việc xây dựng, lắp đặt tuyến công, bể để bố trí, dùng chung tuyến cáp quang
của các doanh nghiệp.
3. Kế hoạch phát triển hạ tầng thông tin di động
Tổng số trạm BTS dự kiến đầu tư xây dựng, phát triển
năm 2023 là 195 trạm BTS để lắp đặt thiết bị phát sóng nâng cao chất lượng dịch
vụ băng rộng di động mạng 4G và mở rộng lắp đặt thiết bị phát sóng mạng 5G
trong giai đoạn tới, trong đó:
- Phát triển 130 trạm BTS dự kiến không dùng chung
(trong đó: Nha Trang 35 trạm; Cam Ranh: 14 trạm; Ninh Hòa: 17 trạm; Diên Khánh:
15 trạm; Vạn Ninh: 10 trạm; Cam Lâm: 09 trạm; Khánh Vĩnh: 15 trạm và Khánh Sơn:
05 trạm).
- Đề xuất phát triển 65 trạm BTS dự kiến dùng chung
(trong đó: Nha Trang 25 trạm; Cam Ranh: 02 trạm; Ninh Hòa: 04 trạm; Diên Khánh:
07 trạm; Vạn Ninh: 13 trạm; Cam Lâm: 09 trạm; Khánh Vĩnh: 04 trạm và Khánh Sơn:
01 trạm).
- Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, xem xét sổ trạm BTS dự
kiến đầu tư xây dựng, phát triển năm 2023 của các doanh nghiệp phù hợp với quy
hoạch và phát triển chung của tỉnh.
4. Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn kinh phí
thực hiện từ các doanh nghiệp viễn thông và xã hội hóa.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về quản lý nhà nước
a) Tuyên truyền phổ biến các quy định, chính sách về
phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc đầu tư phát triển, sử dụng dịch
vụ viễn thông băng rộng hiệu quả.
b) Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông hoạt
động trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phát triển hạ
tầng viễn thông băng rộng; quản lý quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng viễn
thông băng rộng phù hợp với nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ
động tỉnh Khánh Hòa và các quy định khác có liên quan.
2. Giải pháp về cơ sở hạ tầng
a) Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để tạo
điều kiện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và dùng chung cơ sở hạ tầng giữa
các doanh nghiệp viễn thông, cũng như dùng chung hạ tầng kỹ thuật công cộng
liên ngành trên địa bàn tỉnh.
b) Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng
các hệ thống truyền dẫn với công nghệ hiện đại, dung lượng lớn bảo đảm đáp ứng
nhu cầu sử dụng của khách hàng.
c) Đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng viễn thông
băng rộng cố định hiện có đáp ứng nhu cầu dịch vụ, chất lượng tốt, tốc độ cao
và ổn định; tập trung triển khai đầu tư phát triển mới đến vùng sâu, vùng xa và
các khu vực hiện chưa được phủ sóng di động, hạ tầng cáp quang.
d) Đầu tư phát triển mới trạm thu phát sóng thông
tin di động tại vùng sâu, vùng xa, tại các điểm du lịch và các loại trạm phát
sóng thông tin di động 5G theo quy hoạch tinh; xu hướng phát triển sử dụng thiết
bị phát sóng nhỏ gọn, tích hợp các công nghệ mạng 3G, 4G.
đ) Tiếp tục triển khai nâng cấp, cải tạo cột ăng
ten đảm bảo sử dụng chung các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động hiện
có.
e) Cột ăng ten được đầu tư xây dựng trong khu vực
đô thị hình thức cột nhỏ gọn, ngụy trang thân thiện môi trường, đảm bảo mỹ quan
đô thị.
g) Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các đơn vị
liên quan trong việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tập
trung tại tòa nhà, khu đô thị, khu công nghiệp.
h) Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan chỉ
đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung tại các
tòa nhà, khu đô thị, khu công nghiệp đấy nhanh tiến độ ban hành giá, niêm yết
giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung theo quy định pháp luật, đảm
bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi của người dân khi sử dụng dịch
vụ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan cập nhật,
thông báo và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc sử dụng
chung hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành Xây dựng, Giao thông vận tải, Điện lực.
b) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn
tỉnh xây dựng, cải tạo, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng
đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phú dịch vụ rộng khắp
trên phạm vi toàn tỉnh; cải tạo, xây dựng và phát triển mới hạ tầng viễn thông
thụ động trên địa bàn tỉnh theo hướng đầu lư xã hội hóa, chia sẻ, sử dụng
chung, đảm bảo các mục tiêu cụ thể đề ra trong Kế hoạch này.
c) Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng viễn thông; kịp thời xử
lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; báo cáo, tham mưu các nội dung thuộc
thẩm quyền UBND tỉnh đúng quy định.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa
phương đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này, kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều
chỉnh Kế hoạch (nếu có) cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; báo
cáo UBND tỉnh trước ngày 31/12/2023.
2. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
Hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, cá nhân về quy trình
thủ tục cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động,
hạ tầng kỹ thuật dùng chung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, cá nhân về quy trình
đầu tư các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động,
hạ tầng kỹ thuật dùng chung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
4. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
a) Hướng dẫn doanh nghiệp viễn thông thiết kế, xây
dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông trong phạm vi đất dành cho đường bộ
để đảm bảo tính đồng bộ, đảm bảo an toàn giao thông và khai thác của công trình
đường bộ kết hợp với các công trình giao thông.
b) Chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công công
trình viễn thông thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND
các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh việc giao đất, cho thuê đất cho
các tổ chức đầu tư xây dựng công trình viễn thông trên địa bàn tỉnh theo quy định
của pháp luật về đất đai.
6. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân
Phong
a) Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn
thông tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ cho
các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quản lý.
b) Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng
công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động kết hợp với hạ tầng kỹ thuật
khác trên địa bàn quản lý.
7. Trách nhiệm UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
triển khai xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn.
b) Thỏa thuận, cấp phép, gia hạn và thu hồi giấy
phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo thẩm quyền
được phân cấp.
c) Hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, cá nhân về quy
trình, thủ tục, đầu tư, cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
8. Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa
Phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viền
thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện lực để phát triển viễn thông
băng rộng theo các quy định của Nhà nước và quy định của Tập đoàn Điện lực Việt
Nam.
9. Các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân
có liên quan
a) Xây dựng kế hoạch và thực hiện xây dựng, cải tạo,
nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng để mở rộng vùng phủ dịch
vụ rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh, đảm bảo các mục tiêu cụ thể đã đề ra theo
Kế hoạch này.
b) Tuân thủ các quy định về cấp phép và quản lý xây
dựng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
c) Chấp hành các quy định, chỉ đạo điều hành của cơ
quan quản lý nhà nước tại địa phương về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động và hạ tầng kỹ thuật liên ngành: Xác định giá cho thuê công trình
hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung do doanh nghiệp đầu tư; niêm yết giá cho
thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Trong trường hợp không thống nhất
về giá thuê, các doanh nghiệp đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Tài
chính tổ chức hiệp thương giá theo quy định của Thông tư liên tịch số
210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ
Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương
pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
d) Phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị và các
doanh nghiệp liên quan đến đầu tư hạ tầng, đàm phán cùng đầu tư xây dựng và sử
dụng chung cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động đồng bộ với đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật khác.
đ) Cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu liên quan
đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn cho các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung của tỉnh.
e) Xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh cơ sở
hạ tầng viễn thông, phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục kịp thời
các trường hợp phá hoại, xâm phạm hạ tầng viễn thông.
Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch này
nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở
Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (báo
cáo);
- Chủ tịch UBND tỉnh (báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Báo Khánh Hòa, Đài PTTH Khánh Hòa;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CNG, NN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Văn Thiệu
|