Kế hoạch 620/KH-UBND thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Số hiệu 620/KH-UBND
Ngày ban hành 16/09/2024
Ngày có hiệu lực 16/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nguyễn Đăng Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 620/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 16 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN SẮP XẾP, SÁP NHẬP, ĐỔI TÊN THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN NĂM 2024

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố[1];

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố tại Thông báo số 1545-TB/TU ngày 13/9/2024. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

- Sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; giảm chi ngân sách nhà nước tăng nguồn lực chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;

- Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, hệ thống phúc lợi xã hội công cộng ở thôn, tổ dân phố góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

2. Yêu cầu

- Việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố phải đảm bảo ổn định tình hình tại địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp của cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo công khai, dân chủ, đoàn kết, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị cơ sở và Nhân dân;

- Việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với đặc điểm văn hóa, truyền thống, sinh hoạt cộng đồng dân cư và điều kiện địa lý, hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương;

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố.

II. NỘI DUNG

1. Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố

1.1. Rà soát các thôn, tổ dân phố

- UBND cấp xã rà soát, thống kê số hộ gia đình thực tế hiện có của mỗi thôn, tổ dân phố; công khai và lập danh sách hộ gia đình để phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để kiểm tra, tổng hợp;

- Thực hiện đánh giá đặc điểm đặc thù về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, địa lý... có ảnh hưởng trực tiếp tới việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố (phân nhóm thôn, tổ dân phố theo tiêu chí quy mô số hộ gia đình theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ và các yếu tố đặc thù).

1.2. Xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố

UBND cấp huyện hướng dẫn UBND cấp xã trên cơ sở kết quả tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố và thực trạng quy mô số hộ gia đình của thôn, tổ dân phố trực thuộc, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố như sau:

- Sáp nhập thôn, tổ dân phố có dưới 50% quy mô số hộ gia đình theo quy định (thôn có dưới 75 hộ gia đình; Tổ dân phố có dưới 100 hộ gia đình), nhất là các thôn, tổ dân phố có quy mô rất nhỏ lẻ, manh mún (thôn có dưới 30 hộ gia đình; Tổ dân phố có dưới 50 hộ gia đình) thì phải kiên quyết thực hiện sáp nhập;

- Khuyến khích sáp nhập các thôn, tổ dân phố khác ở những nơi có đủ điều kiện, có sự đồng thuận của Nhân dân tại địa phương;

- Sau sáp nhập: thôn, tổ dân phố cơ bản phải đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định;

- Việc đổi tên thôn, tổ dân phố được thực hiện để đảm bảo đúng theo quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân sinh sống tại thôn, tổ dân phố, đảm bảo đồng bộ, thuận lợi cho công tác quản lý;

- Trên cơ sở rà soát, phân nhóm xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập thôn, đổi tên thôn, tổ dân phố, UBND cấp xã xây dựng và trình Đảng ủy cùng cấp  xem xét, thống nhất về dự thảo Đề án chi tiết sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố thuộc địa phương với các nội dung theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thực hiện lấy ý kiến của cấp ủy các Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận và Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố về dự thảo Đề án; UBND cấp xã tổng hợp ý kiến, báo cáo Đảng ủy cùng cấp để hoàn thiện Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố của địa phương.

- Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp xã về phương án và dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố, UBND cấp huyện xây dựng phương án chi tiết trình Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy xem xét cho ý kiến chỉ đạo về phương án tổng thể về sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố theo từng đơn vị hành chính cấp xã (nội dung phương án tổng thể cần nêu rõ số lượng, danh sách các đơn vị thuộc diện phải thực hiện sắp xếp, đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp, sáp nhập và dự kiến việc sáp nhập; danh sách các đơn vị có yếu tố đặc thù không đưa vào diện sắp xếp, sáp nhập và giải trình, thuyết minh kèm theo; kế hoạch, lộ trình, kinh phí thực hiện; hướng kiện toàn các tổ chức đảng, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác mặt trận, các tổ chức thành viên và bố trí người hoạt động không chuyên trách sau khi sát nhập...). Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố của địa phương (trường hợp phương án chưa đảm bảo, giao Sở Nội vụ có ý kiến để UBND cấp huyện xem xét, điều chỉnh trước khi xây dựng Đề án).

Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước ngày 27/9/2024.

2. Xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố cấp xã

[...]