Kế hoạch 605/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kế hoạch 159-KH/TU thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy do tỉnh Bắc Kạn ban hành
Số hiệu | 605/KH-UBND |
Ngày ban hành | 31/10/2019 |
Ngày có hiệu lực | 31/10/2019 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Kạn |
Người ký | Lý Thái Hải |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 605/KH-UBND |
Bắc Kạn, ngày 31 tháng 10 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG SỐ 159-KH/TU NGÀY 04/10/2019 CỦA TỈNH ỦY BẮC KẠN VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 36-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY
Thực hiện Kế hoạch số 159-KH/TU ngày 04/10/2019 của Tỉnh ủy Bắc Kạn hành động thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng, chống ma túy với hình thức và nội dung phù hợp tại 100% xã, phường, thị trấn, trường học, các cơ quan, doanh nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, cầu và giảm tác hại của ma túy. Đấu tranh ngăn chặn và xử lý các vụ phạm tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; không để phát sinh điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Kịp thời rà soát, phát hiện, triệt phá việc tái trồng cây có chứa chất ma túy; kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần.
3. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, làm giảm số người nghiện ma túy. Quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình hình phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, đoàn thể, trước hết là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và phải chịu trách nhiệm về tình hình ma túy tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách. Lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm. Cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống ma túy; có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
Hằng quý, Ban Chỉ đạo 138 các cấp báo cáo công tác phòng, chống tội phạm nói chung và công tác phòng, chống ma túy nói riêng gửi Ủy ban nhân dân cùng cấp để có ý kiến chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phòng, chống ma túy.
2. Các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy với hình thức phù hợp tình hình thực tế ở từng địa bàn, đối tượng, qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy phù hợp với điều kiện của từng địa phương, gắn với các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hiện đang hoạt động như: “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Hộ an toàn - thôn, bản, tổ dân phố bình yên”... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các phong trào thi đua khác để xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy.
Sở Thông tin và Truyền thông: Thẩm định, cấp phép cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 trong tỉnh và các cơ quan khác biên soạn, in, cấp các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng.
3. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ động nắm tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, liên huyện. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; triệt xóa các tụ điểm, điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (quán bar, karaoke, nhà nghỉ...). Phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các tội phạm về ma túy.
Năm 2020, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 05/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống ma túy giai đoạn 2017-2020.
4. Các ngành chức năng: Công an, Y tế, Công thương, Quản lý thị trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải quan và các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Tổ công tác liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (hiện đang được kiện toàn) theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trong tỉnh. Bảo đảm công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy thống nhất theo từng ngành, lĩnh vực được phân công; tránh chồng chéo, cản trở các hoạt động hợp pháp của các đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... có liên quan đến tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 (ban hành tại Quyết định số 2218/QĐ-UBND, ngày 08/12/2014 của UBND tỉnh). Đánh giá toàn diện công tác cai nghiện ma túy để có sự điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai. Kịp thời xây dựng, sửa đổi các quy chế, hướng dẫn về công tác cai nghiện cho phù hợp với tình hình hiện nay như: Hướng dẫn liên ngành số 1599/HDLN-SLĐ-TB&XH-CAT-STP-SYT-TANDT ngày 07/12/2016 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh về quy trình lập hồ sơ và biểu mẫu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
6. Sở Y tế: Tổ chức tập huấn, đào tạo, cấp chứng chỉ cho cán bộ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy; cán bộ làm công tác điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu, hồi phục cho người tham gia cai nghiện. Phối hợp với các huyện, thành phố xem xét tiếp tục mở rộng các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone) đến tất cả các huyện, hoặc theo cụm xã, phường, thị trấn. Trong năm 2020, thành lập được cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone) tại xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn trên cơ sở phát triển điểm uống thuốc tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn.
7. Sở Tài chính: Hằng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí địa phương cho các ngành liên quan thực hiện công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả.
8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể còn lại: Có trách nhiệm phối hợp triển khai, thực hiện các nội dung công tác phòng, chống ma túy gắn với chức trách, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ, chức sắc trong tổ chức tôn giáo, già làng, trưởng bản, người tiêu biểu trong xã, phường, thị trấn, hình thành mạng lưới tuyên truyền viên trong cộng đồng dân cư.
- Đánh giá chính xác tình trạng người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, tập trung ngăn chặn sự gia tăng của người nghiện mới. Có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nghiện ma túy, không để phát sinh tội phạm.
- Tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, thống kê các điểm phức tạp về ma túy, chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh triệt xóa; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy.
- Tập trung thực hiện tốt các nội dung tại Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 28/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
- Tăng cường các nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong đó, củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống ma túy. Xem xét bố trí kinh phí địa phương cho công tác này để thực hiện có hiệu quả.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và Kế hoạch này các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện và gửi về Công an tỉnh trước ngày 15/11/2019.