Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 595/KH-UBND về công tác văn thư, lưu trữ năm 2018 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 595/KH-UBND
Ngày ban hành 25/01/2018
Ngày có hiệu lực 25/01/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Trì
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 595/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 25 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ NĂM 2018

Căn cứ Luật Lưu trữ ngày 11/11/2011;

Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 07/9/2017 của Thủ tướng Chính về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử;

Căn cứ Công văn số 73/BNV-VTLTNN ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ về phương hướng, nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 2244/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn thư, lưu trữ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ năm 2018, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Kế hoạch này là cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan, đơn vị là nguồn nộp lưu, các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là các cơ quan, tổ chức) xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác văn thư, lưu trữ.

- Nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức về vai trò của công tác văn thư, lưu trữ;

- Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động văn thư, lưu trữ đối với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc ban hành kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cơ quan, tổ chức, là tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi công vụ.

- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức tăng cường chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác văn thư, lưu trữ theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN

1. Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác văn thư, lưu trữ

1.1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ

Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ như: Luật Lưu trữ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các văn bản quản lý, chỉ đạo về công tác văn thư, lưu trữ của UBND tỉnh, thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng trên phương tiện thông tin đại chúng (Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh, trang website của các cơ quan, tổ chức) đồng thời giới thiệu về tài liệu lưu trữ bằng các bài viết đưa tin trên tạp chí ấn phẩm của từng ngành, địa phương về hoạt động lưu trữ nhằm tuyên truyền sâu rộng ý thức, trách nhiệm đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đối với công tác văn thư, lưu trữ.

1.2. Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ

a) Tiếp tục hoàn thiện xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ và lộ trình xây dựng, thực hiện Đề án, Dự án trong Quy hoạch phát triển ngành văn thư, lưu trữ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Các cơ quan, tổ chức phải xây dựng Danh mục hồ sơ cơ quan và triển khai thực hiện việc lập hồ sơ công việc, phấn đấu 100% các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh đều ban hành Danh mục hồ sơ cơ quan.

1.3. Công tác tổ chức cán bộ, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

a) Các cơ quan, tổ chức cần rà soát và bố trí nhân sự làm công tác văn thư, lưu trữ đủ, đúng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Thông tư số 13/2014/TT-BNV và Thông tư số 14/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ Nội vụ.

b) Các cơ quan, tổ chức chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ cho cán bộ, công chức, viên chức về nghiệp vụ văn thư, lưu trữ phù hợp với từng đối tượng.

Nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào những chuyên đề cụ thể như: Lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; quản lý văn bản đi, văn bản đến, lập hồ sơ trong môi trường mạng; chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu; bảo quản tài liệu; số hóa tài liệu lưu trữ.

c) Quan tâm và thực hiện đầy đủ chế độ phụ cấp trách nhiệm, độc hại , bảo hộ lao động và các chế độ khác cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ theo quy định hiện hành.

1.4. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ

a) Kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 13/2013/TT-BNV và Thông tư số 14/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ.

[...]