Kế hoạch 5907/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 5907/KH-UBND
Ngày ban hành 15/11/2023
Ngày có hiệu lực 15/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5907/KH-UBND

Bình Dương, ngày 15 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Quốc hội1, Chính phủ2, Thủ tướng Chính phủ3, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương: Bộ Y tế4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội5, Bộ Thông tin và Truyền thông6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn7, Bộ Tài chính8;

Thực hiện Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương tới cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và Nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo trong quá trình thực hiện.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai kịp thời, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng củng cố hệ thống chính trị, ổn định trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, phát huy cao nội lực phấn đấu của người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để giảm hộ nghèo, không có hộ tái nghèo.

4. Phân công trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Các kết quả và chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 0,3% mỗi năm. Đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn dưới 1%.

- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.

- Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

b) Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như sau:

- Chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu tìm việc làm được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.

- Chiều thiếu hụt về y tế:

+ Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế;

+ Giảm ít nhất 30% số trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bị suy dinh dưỡng (cả giai đoạn giảm ít nhất 70/201 trẻ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị suy dinh dưỡng).

- Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo:

+ Giảm tỷ lệ thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 2,3% xuống còn 1,2 % (cả giai đoạn giảm ít nhất 80/176 trẻ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị thiếu hụt về chiều giáo dục);

+ 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ học nghề phù hợp. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 25%;

- Chiều thiếu hụt về nhà ở: giảm ít nhất 20% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở (cả giai đoạn giảm ít nhất 200 hộ/1.071 hộ thiếu hụt về chiều nhà ở).

- Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh:

[...]