Kế hoạch 583/KH-UBND triển khai "Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin - Dự án 6. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2022" do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 583/KH-UBND
Ngày ban hành 16/09/2022
Ngày có hiệu lực 16/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thị Minh Thúy
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 583/KH-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI “TIỂU DỰ ÁN 1: GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN - DỰ ÁN 6. TRUYỀN THÔNG VÀ GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG NĂM 2022”

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, ngày 19 tháng 06 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở; Quyết định số 1722/QĐ- TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình);

Căn cứ Quyết định số 1055/QĐ-BTC ngày 10/6/2022 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Căn cứ Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình.

Căn cứ Văn bản số 4035/BTTTT-KHTC ngày 02/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, đề xuất Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 và cả giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Văn bản số 4139/BTTTT-KHTC ngày 09/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 15/8/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 nguồn ngân sách trung ương và nguồn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 1898/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2022 của UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 2033/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh về việc phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ nhu cầu thông tin thực tế tại địa phương,

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch triển khai “Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin - Dự án 6. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2022, cụ thể như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM, HIỆN TRẠNG, SỰ CẦN THIẾT

1. Đặc điểm

An Giang là tỉnh đầu nguồn Sông Cửu Long, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Khu vực biên giới gồm 05 huyện, thị xã, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn, với đường biên giới dài gần 100km, có 02 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên và Vĩnh Xương), 02 cửa khẩu chính (Vĩnh Hội Đông và Khánh Bình), 01 cửa khẩu phụ (Bắc Đai) và nhiều đường mòn, kênh rạch qua biên giới, tiếp giáp với 02 tỉnh Kandal và Takeo của Vương quốc Campuchia. Trong những năm qua, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh luôn ổn định và phát triển; quan hệ hai bên biên giới luôn được củng cố, thắt chặt. Hoạt động giao thương ngày càng tăng, các mặt hàng xuất nhập khẩu của nhân dân hai bên ngày càng nhiều.

Các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu có tổng số 18 xã biên giới giáp với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia và 02 xã miền núi, khó khăn. Cụ thể:

- Huyện Tri Tôn có 02 xã biên giới là: Vĩnh Gia và Lạc Quới; 01 xã miền núi, vùng khó khăn là xã Lương An Trà.

- Huyện Tịnh Biên có 04 xã, thị trấn là: Nhơn Hưng, An Phú, An Nông và thị trấn Tịnh Biên và 01 xã miền núi, vùng khăn là xã Văn Giáo.

- Huyện An Phú có 08 xã, thị trấn là: Phú Hữu, Quốc Thái, Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông và thị trấn Long Bình.

- Thành phố Châu Đốc có 02 xã, phường là: Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế.

- Thị xã Tân Châu có 02 xã là: Phú Lộc và Vĩnh Xương.

2. Hiện trạng công tác thông tin và tuyên truyền tại 18 xã, thị trấn biên giới; 02 xã miền núi, khó khăn

a. Thuận lợi

- 20 xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính (bưu cục, bưu điện văn hóa xã hoặc đại lý bưu điện).

[...]