Kế hoạch 581/KH-UBND năm 2021 phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 581/KH-UBND
Ngày ban hành 05/10/2021
Ngày có hiệu lực 05/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 581/KH-UBND

An Giang, ngày 05 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Căn cứ Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030 như sau:

A. THỰC TRẠNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TRONG NHỮNG NĂM QUA

Tai nạn thương tích là một sự cố xảy ra bất ngờ, đột ngột không biết trước. Theo tổ chức y tế thế giới “Tai nạn thương tích là một sự kiện không định trước gây ra thương tích có thể nhận thấy được”. Tai nạn thương tích ở trẻ em là một sự cố xảy ra bất ngờ, đột ngột đối với trẻ em không được biết trước, tai nạn thương tích có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời, để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.

Ở An Giang theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong những năm gần đây tai nạn thương tích xảy ra tuy có giảm theo thời gian, nhưng vẫn còn cao. Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 1.000 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, có 3 loại tai nạn thương tích chính gây chết người và tàn tật ở trẻ em nhiều nhất là tai nạn đuối nước, giao thông và té ngã.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trẻ em bị tai nạn thương tích là do công tác tuyên truyền vận động phòng chống tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế; việc trang bị kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trong các tầng lớp nhân dân chưa được chú trọng, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận dân cư chưa nghiêm; mặt khác, do tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mêkông có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hàng năm đều bị ngập lụt, môi trường sông nước không an toàn với trẻ em. Bên cạnh đó là nhận thức của trẻ em còn non nớt, chưa lường hết được các mối nguy hiểm đe dọa, vấn đề an toàn cho trẻ em ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là môi trường gia đình chưa thật sự bảo đảm để giảm thiểu các nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ em.

B. KẾ HOẠCH PHÒNG, TRÁNH TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông tạo môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

2. Các mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu 1: Giảm tỷ lệ tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích của trẻ em.

- Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích đến năm 2025 xuống còn 100/100.000 trẻ em và 70/100.000 trẻ em vào năm 2030.

- Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích đến năm 2025 xuống còn 5/100.000 trẻ em và 4/100.000 trẻ em vào năm 2030.

- Hằng năm giảm từ 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn thương tích giao thông đường bộ.

- Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước đến năm 2025 và 20% vào năm 2030.

- 80% ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn đến năm 2025 và 95% vào năm 2030; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến năm 2025, đạt 90% vào năm 2030.

- 80% trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn đến năm 2025, đạt 90% vào năm 2030

2.2. Mục tiêu 2: Truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em.

- 70% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em đến năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.

- 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ đến năm 2025 và 95% vào năm 2030.

- 65% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước đến năm 2025 và 75% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn đến năm 2025 và 70% vào năm 2030.

- 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh đến năm 2025 và 95% vào năm 2030.

2.3. Mục tiêu 3: Đào tạo tập huấn về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể có liên quan.

- 100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

- 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em của ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đến năm 2025 và 90% vào năm 2030.

[...]