Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 570/KH-UBND thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024

Số hiệu 570/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2024
Ngày có hiệu lực 19/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 570/KH-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM 2024

Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện các CTMTQG năm 2024 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CTMTQG NĂM 2023

1. Công tác quản lý, điều hành triển khai thực hiện các chương trình

a) Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo; thành lập 03 Tổ công tác và chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động của các Tổ công tác các CTMTQG; tiếp tục duy trì Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; 10/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, đồng thời ban hành quy chế hoạt động để triển khai thực hiện. Ở cấp xã, các địa phương đã triển khai công tác kiện toàn, thành lập Ban quản lý xã, Ban giám sát của cộng đồng xã, Ban phát triển thôn đảm bảo năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc các CTMTQG.

Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 “về lãnh đạo thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 18 tháng 02 năm 2022 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Chương trình số 3299/CTr-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2022 về thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư các CTMTQG, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã chủ động, tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình trên địa bàn, đến nay đã ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời các văn bản quản lý, điều hành thực hiện các chương trình theo quy định, với trên 120 văn bản, cụ thể: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 30 Nghị quyết (trong đó có 18 Nghị quyết quy phạm pháp luật), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 45 Quyết định (trong đó có 09 Quyết định quy phạm pháp luật), 05 Chỉ thị, 38 chương trình, kế hoạch,... làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

b) Hoạt động truyền thông, thông tin

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch truyền thông, tuyên truyền các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.

Đã tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và 02 phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Mỗi dịp đầu năm, tỉnh tổ chức Lễ ra quân đồng loạt tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phong trào xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả, thu hút sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị, xã hội và đông đảo tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.

c) Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 và hàng năm theo quy định; trong năm 2023 tỉnh đã tổ chức 05 Hội nghị (chưa kể các Hội nghị do Trung ương tổ chức), 06 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo tỉnh (chưa kể các đoàn kiểm tra giao Thủ trưởng 03 cơ quan chủ trì CTMTQG làm trưởng đoàn thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023) để đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, kịp thời nắm bắt, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình.

Triển khai đánh giá, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện các CTMTQG năm 2023, báo cáo phục vụ giám sát của Quốc hội (lần I, lần II), giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh theo quy định. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm toán CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Tại cấp huyện, các địa phương đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình giai đoạn 2021-2025 và hàng năm, qua các đợt kiểm tra, đã có các kiến nghị cũng như hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc của địa phương, đồng thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình.

2. Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn

a) Tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023

- Về vốn ngân sách Trung ương: Căn cứ dự toán ngân sách Trung ương năm 2023 thực hiện 03 CTMTQG được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện 03 chương trình đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ của Trung ương, với tổng dự toán năm 2023 đã giao là 1.274.696 triệu đồng (trong đó: Vốn đầu tư phát triển 706.749 triệu đồng; vốn sự nghiệp 567.947 triệu đồng), bằng 100% dự toán trung ương giao.

- Về vốn ngân sách địa phương: Tổng kế hoạch vốn ngân sách địa phương đã cân đối bố trí đối ứng, lồng ghép thực hiện các chương trình năm 2023 khoảng 145.237 triệu đồng (chưa bao gồm vốn đầu tư ngân sách cấp huyện, xã).

b) Tình hình giải ngân vốn ngân sách Trung ương trong năm 2023

Tổng dự toán ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG trong năm 2023 là 1.871.749 triệu đồng, trong đó: Dự toán năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 597.053 triệu đồng(1), dự toán năm 2023 là 1.274.696 triệu đồng(2).

Theo tổng hợp của các cơ quan chủ trì CTMTQG, tổng số vốn đã giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài) là 976.938 triệu đồng, đạt 52,19% dự toán, trong đó vốn đầu tư phát triển 786.539 triệu đồng, đạt 72,51% kế hoạch, vốn sự nghiệp 190.398 triệu đồng, đạt 24,19% kế hoạch.

3. Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ

a) CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có đất ở ước đạt 98,56%, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có đất sản xuất ước đạt 98,6%; có 06 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn trong năm 2023.

b) CTMTQG giảm nghèo bền vững: Tính đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 10.220 hộ, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tổng số hộ thoát nghèo là 6.258 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,19%, đạt 103,7% so với kế hoạch. Đến nay đã đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp với tổng số 6.975 người(3); giải quyết việc làm cho 7.267 lao động.

c) CTMTQG xây dựng nông thôn mới: Toàn tỉnh đã có 48/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó đã có 42 xã được công nhật đạt chuẩn nông thôn mới), số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên xã đến nay là 16 tiêu chí; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã được các địa phương quan tâm thực hiện, qua đó đã có 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 21 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 36 thôn (làng) đạt chuẩn thôn nông thôn mới... Có 208 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 06 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá.

[...]