Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2021 triển khai Chiến lược quốc gia và Chương trình hành động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Thị Quyên Thanh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Vĩnh Long, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN 2045 CỦA TỈNH VĨNH LONG

Thực hiện Quyết định 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Kế hoạch số 233-KH/TU ngày 03 tháng 04 năm 2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia và Chương trình hành động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đây là giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Kịp thời nắm bắt, tận dụng các nguồn lực để nâng cao năng suất lao động, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển giao và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực, nhất là các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chủ động phòng ngừa, ứng phó các yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững của địa phương.

2. Yêu cầu

Các cấp ủy Đảng quán triệt sâu sắc, đầy đủ, kịp thời quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát huy tối đa các nguồn lực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Xây dựng kế hoạch từng ngành, từng cấp cụ thể, sát thực tiễn lãnh đạo quản lý từng sở, ngành địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tận dụng có hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá. Tập trung đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng và bảo vệ an ninh mạng dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái với phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

Internet băng thông rộng phủ 100% cấp xã; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xã hội góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; bước đầu hình thành nền kinh tế số, xã hội số.

Đảm bảo 100% cơ quan cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã kết nối mạng diện rộng và được đảm bảo an toàn thông tin do Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đảm nhận.

Có 40% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã.

Có 60% hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh liên quan đến người dân, doanh nghiệp đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại các kho dữ liệu mở của tỉnh (dữ liệu lớn, big data), cơ sở dữ liệu quốc gia mà không phải cung cấp lại.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

b) Đến năm 2030

Phủ sóng mạng di động 5G toàn tỉnh để người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; đẩy mạnh phát triển kinh tế số.

Hoàn thành xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong toàn quốc.

Bước đầu hình thành bộ cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin và phục vụ dự báo sản xuất nông nghiệp theo thời gian thực, tạo tiền đề cho xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ giữa dự báo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kết nối thị trường, phát triển các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Năng suất lao động của tỉnh đạt mức trung bình khá của cả nước.

c) Tầm nhìn đến năm 2045

[...]