Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 5530/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 5530/KH-UBND
Ngày ban hành 26/06/2020
Ngày có hiệu lực 26/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5530/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 26 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21/CT-TTG NGÀY 25/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ HOẠT ĐỘNG LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sau đây viết gọn là Chỉ thị số 21), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 21.

2. Triển khai đồng bộ các biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

3. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên gắn với quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; các Chương trình, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là các chế tài đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thường xuyên thông báo về hành vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân biết, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản; thông báo kịp thời, rộng rãi, công khai, minh bạch trong Nhân dân những thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng...

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ANTT. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động...

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công an tỉnh

- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã thành phố tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp.

- Phối hợp các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về ANTT, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu, kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

- Thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhất là các nguồn tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương trong điều tra, thu hồi tài sản, bắt giữ, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. Sở Tư pháp

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập.

- Quán triệt đến toàn thể công chứng viên, người thực hiện công chứng, chứng thực, thừa phát lại trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm nguyên tắc hành nghề, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kết quả phòng ngừa, xử lý của lực lượng chức năng để người dân nâng cao nhận thức, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Tăng cường quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, môi trường mạng, xuất bản phẩm, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thuê bao di động, thuê bao Internet, loại bỏ “sim rác”. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh lưu giữ đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên hạ tầng mạng, không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo; chủ động triển khai các biện pháp cảnh báo, hỗ trợ bảo vệ người sử dụng.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa, giới thiệu, quảng cáo đăng tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, xuất bản phẩm, quảng cáo... tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4. Sở Công thương

Thường xuyên kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử; quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phối hợp các sở, ngành kiểm tra các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

[...]