Kế hoạch 54/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 17-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 54/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2019
Ngày có hiệu lực 29/03/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 29 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆU NGHỊ QUYẾT SỐ 17-NQ/CP NGÀY 7/03/2019 CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 17-NQ/CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 24/01/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; làm căn cứ cho các ngành, chính quyền các cấp lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ hằng năm đảm bảo mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, tạo bước đột phá về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Đảm bảo xây dựng nền hành chính điện tử, hiện đại, đồng bộ và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã; hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

2. Yêu cầu

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải xác định việc ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên; là yếu tố bảo đảm thực hiện thành công khâu đột phá trong cải cách hành chính và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; cần được chú trọng, ưu tiên nhiệm vụ về CNTT trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành, địa phương, từ đó tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả tại cơ quan, đơn vị.

Triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực và có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, số hóa, cung cấp dịch vụ công mức độ cao trong các lĩnh vực, ưu tiên các thủ tục hành chính liên quan nhiều tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường,…

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng Chính quyền điện tử thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, với nền hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

- Phấn đấu đưa Vĩnh Phúc nằm trong nhóm 15-20 tỉnh thành phố trong cả nước có kết quả cao về chỉ số đánh giá xây dựng Chính quyền điện tử.

2. Mục tiêu đến năm 2020

- Hoàn thiện môi trường chính sách về tổ chức ứng dụng CNTT tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT.

- Triển khai và vận hành có hiệu quả Trục liên thông văn bản điện tử trong toàn tỉnh và liên thông với Văn phòng Chính phủ, đồng bộ các hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến trong toàn tỉnh, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia... theo lộ trình quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành các cơ quan, đơn vị được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

- Tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

- Tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Rút ngắn thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.

- 100% Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ, tổ chức cập nhật minh bạch thông tin đầy đủ, kịp thời theo quy định tại Luật Tiếp cận thông tin và Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của UBND tỉnh.

- 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) tiếp nhận thụ lý được cập nhật, quản lý và tổ chức thực hiện trên hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 20% trở lên; tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia;

[...]