Kế hoạch 5254/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh; Chỉ thị 47-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 5254/KH-UBND
Ngày ban hành 16/07/2024
Ngày có hiệu lực 16/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Văn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5254/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 16 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 19/CT-TTG NGÀY 24/6/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở NHIỀU TẦNG, NHIỀU CĂN HỘ, NHÀ Ở RIÊNG LẺ KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH; CHỈ THỊ SỐ 47-CT/TU NGÀY 03/6/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 19/CT- TTg); Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 03/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 47-CT/TU), UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg và Chỉ thị số 47-CT/TU; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, góp phần thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; khắc phục triệt để, thực chất các tồn tại về PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.

3. Đề cao ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân và phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở và chủ hộ gia đình trong công tác PCCC và CNCH.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường lãnh đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các văn bản của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị, quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác PCCC và CNCH [1].

2. Tham mưu UBND tỉnh ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC cho nhà và công trình hiện hữu, nhất là nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) trên địa bàn tỉnh khi có các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành (hoàn thành trước ngày 30/7/2024).

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; chỉ đạo khắc phục, xử lý dứt điểm những cơ sở, công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh.

- Áp dụng các giải pháp kỹ thuật về PCCC theo tài liệu được ban hành cho từng nhóm công trình cụ thể.

- Tổ chức tổng rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND tỉnh ban hành; phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.

- Tổ chức rà soát việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với các loại hình nêu trên phải kiên quyết yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp, điều kiện bảo đảm an toàn PCCC theo quy định.

- Tổ chức rà soát, thực hiện nghiêm việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực theo Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, hoàn thành trong năm 2024.

- Tổ chức rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, CNCH. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn, việc câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm an toàn theo quy định.

4. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho các tầng lớp Nhân dân. Lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học; tổ chức các hoạt động cộng đồng tuyên truyền, trải nghiệm, thực hiện chữa cháy và CNCH cho người dân, học sinh, sinh viên; nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng"; phát huy rộng rãi phong trào “nhà tôi có bình chữa cháy"...; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.

5. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý trật tự xây dựng đối với công trình, nhất là nhà ở cao tầng, chợ, nhà xưởng, quán bar, vũ trường, karaoke, nhà chuyển đổi công năng, nhà trọ, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh...; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật xây dựng, sử dụng đất, quy định về PCCC. Địa phương nào buông lỏng quản lý trật tự xây dựng để công trình, cơ sở xây dựng không phép, trái phép, xảy ra cháy, nổ thì đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

6. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong công tác PCCC và CNCH; thường xuyên thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực PCCC, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

7. Định kỳ tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH quy mô cấp tỉnh theo quy định. Thường xuyên tổ chức huấn luyện, tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

8. Triển khai thực hiện hiệu quả các Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giải quyết bất cập về hệ thống giao thông, nguồn nước tại các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư chưa đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy và CNCH.

9. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác PCCC và CNCH, huy động nguồn lực đầu tư, trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH hiện đại đáp ứng yêu cầu chữa cháy và CNCH. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách, phương tiện, thiết bị chữa cháy phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC tại chỗ.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh

- Tăng cường lãnh đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các văn bản của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị và các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác PCCC và CNCH [2].

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 2287/KH-UBND ngày 03/4/2024 (thực hiện từ năm 2024 và các năm tiếp theo).

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho cán bộ, công nhân viên, Nhân dân; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời, sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở.

[...]