Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 51/KH-UBND năm 2016 phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 51/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2016
Ngày có hiệu lực 23/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Hải Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 23 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Kết luận số 28-KL/TU ngày 18/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 28/01/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng; xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của du lịch Tuyên Quang; thu hút nhà đầu tư có năng lực phát triển các dịch vụ du lịch; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển du lịch bền vững theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, có bước đi vững chắc, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, làng nghề truyền thống; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhất là đặc sản của địa phương phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu du lịch.

- Phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 phải tranh thủ được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chú trọng khai thác công nghệ thông tin trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch.

II. NỘI DUNG

1. Một số mục tiêu chủ yếu

- Năm 2020 đón 1,7 triệu lượt khách.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

- Tạo việc làm cho khoảng 16.000 lao động ngành du lịch; đến năm 2020, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành du lịch được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; 60% lao động du lịch trực tiếp được bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Phấn đấu xây dựng Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia.

2. Nhiệm vụ trọng tâm

- Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu vào các khu du lịch của tỉnh như Khu du lịch quốc gia Tân Trào; Khu du lịch trung tâm thành phố Tuyên Quang và phụ cận; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm và vùng phụ cận; Khu du lịch sinh thái Na Hang. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng.

- Củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

3. Nội dung và giải pháp (Có danh mục chi tiết tại biểu số 01 kèm theo)

3.1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; về ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn.

- Triển khai cuộc vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong cách ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.

3.2- Tập trung đầu tư, thu hút đầu tư để phát triển du lịch:

Tiếp tục tập trung các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vào các khu du lịch có tiềm năng phát triển, ưu tiên Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào; Khu du lịch trung tâm thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm và vùng phụ cận; Khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình và một số điểm du lịch khác trên địa bàn huyện, thành phố.

[...]