Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4998/KH-BGTVT năm 2023 về phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 4998/KH-BGTVT
Ngày ban hành 16/05/2023
Ngày có hiệu lực 16/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thắng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4998/KH-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VẬN TẢI THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI, ĐỒNG BỘ, GIẢM CHI PHÍ VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 23-NQ/TW); Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Chương trình hành động số 21-CTr/BCSĐ ngày 22/12/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động).

Để thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là các tỉnh vùng vùng Tây Nguyên) theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh, Bộ GTVT ban hành Kế hoạch Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch Phát triển vận tải vùng Tây Nguyên), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện tốt các mục đích, yêu cầu của Chương trình hành động số 21-CTr/BCSĐ ngày 22/12/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã đề ra.

2. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải đường hàng không, đường sắt nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

3. Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở công-ten- nơ; nâng cao năng lực xếp dỡ công-ten-nơ tại các đầu mối tập kết hàng hóa; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch.

4. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giao thông vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

5. Thúc đẩy kết nối hoạt động vận tải trong thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh trong vùng Tây Nguyên nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh trong vùng Tây Nguyên; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

6. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế về vận tải đã ký kết, tham gia; nghiên cứu sửa đổi thỏa thuận, điều ước quốc tế đã ký kết (nếu cần thiết) nhằm tăng cường kết nối, tạo thuận lợi qua biên giới.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

a) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn cho quản lý phát triển thị trường vận tải; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải.

b) Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư; cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải (cảng hàng không, cảng cạn, cảng/bến thủy nội địa, trạm dừng nghỉ...).

c) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và khai thác vận tải, đặc biệt là đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống dữ liệu và thống kê, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải, trí tuệ nhân tạo...; xây dựng các chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách vận tải.

d) Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải đa phương thức, vận tải hàng hóa qua biên giới phù hợp với thực tiễn.

đ) Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tạo thuận lợi vận tải qua biên giới phù hợp với các điều ước/thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương về giao thông vận tải mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập. Rà soát các quy định của pháp luật, các điều kiện về kinh doanh vận tải có yếu tố nước ngoài theo các cam kết của Việt Nam tại các điều ước/thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập.

e) Chuẩn hóa hệ thống quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức nhằm giảm giá thành vận chuyển, xây dựng, khuyến khích sản xuất, lưu thông hàng hóa và nâng cao công tác quản lý nhà nước.

2. Phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics

a) Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

b) Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics.

c) Tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao.

d) Tăng cường kết nối dịch vụ vận tải hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các ga, cảng đầu mối.

đ) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics để tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải.

e) Chú trọng đầu tư phương tiện chở công-ten-nơ; nâng cao năng lực xếp dỡ công-ten-nơ tại các đầu mối tập kết hàng hóa, đặc biệt là các khu vực trọng điểm sản xuất nông, lâm, thủy sản.

3. Tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới

a) Đẩy mạnh thực hiện các nội dung liên quan đến cơ chế một cửa quốc gia do ngành Giao thông vận tải chủ trì. Áp dụng cơ chế một cửa quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến phương tiện xuất nhập cảnh do ngành Giao thông vận tải chủ trì.

[...]