Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 23-NQ/TW
Ngày ban hành 06/10/2022
Ngày có hiệu lực 06/10/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 23-NQ/TW

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

I- TÌNH HÌNH

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, những năm qua các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng, đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng. Tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố và tăng cường, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; cơ bản xây dựng được tổ chức đảng ở các buôn, làng. Việc xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.

Tuy nhiên, Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRĐP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều bất cập. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng. Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất cả nước. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc, tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; công tác đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới chưa hoàn thành. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Hạn chế và yếu kém trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng; tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng. Quản lý đất đai, di dân, bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Các cơ chế, chính sách cho vùng chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa sát với thực tiễn. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của mình và của vùng. Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, thiếu phối hợp và kiểm tra, giám sát. Chưa phát huy, khai thác tốt giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và con người vùng đất Tây Nguyên thành nguồn lực phát triển. Năng lực cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

- Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

- Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ; đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và các nước ASEAN. Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế và tổ chức điều phối liên kết phát triển vùng hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

- Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng. Ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Tập trung bảo vệ, phục hồi môi trường đi đôi với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, tài nguyên khoáng sản.

- Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Tăng cường xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy cao độ giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; bảo đảm xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

2. Mục tiêu đến năm 2030

Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.

3. Một số chỉ tiêu đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 5,6%; tỉ trọng kinh tế số khoảng 25 - 30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%.

- Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0 - 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.

- Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đạt 95% tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.

4. Tầm nhìn đến năm 2045

Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới Hòa Bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững

- Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

- Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít,...), cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè), cây dược liệu, rau, hoa, chăn nuôi gia súc bảo đảm môi trường và gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm) có giá trị kinh tế cao và nuôi lồng bè ở vùng lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực Sông Sêsan, Sông Srêpốk, Sông Ba và hệ thống sông Đồng Nai.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Ổn định dân cư và tạo việc làm tại chỗ cho người dân gắn bó với quê hương. Chú trọng phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tiến hành khoanh nuôi tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp với trồng bổ sung làm giàu rừng; cải tạo trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng nghèo kiệt, kém chất lượng, có chính sách phù hợp phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ cácbon; thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ, tạo việc làm cho người dân, tăng nguồn thu nhằm tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển rừng trồng, rừng sản xuất ờ những nơi có điều kiện phù hợp nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất và chế biến lâm sản. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho các lực lượng, hộ gia đình, người dân, cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng; chính sách tái định canh, định cư, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số sống trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

- Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển ngành cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Duy trì phát triển ổn định, bền vững thủy điện; tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển và lưu trữ năng lượng tái tạo; nghiên cứu khả năng cung cấp điện tại chỗ để phát triển ngành luyện kim nhôm.

[...]