Kế hoạch 491/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2024 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 491/KH-UBND
Ngày ban hành 09/11/2023
Ngày có hiệu lực 09/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 491/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 09 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM NĂM 2024

Thực hiện Văn bản số 5824/BNN-TY ngày 22/8/2023 của Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2024; xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 3131/UBND-CNTY ngày 30/10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2024”, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tổ chức thực hiện các quy định theo Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, các sở, ngành chức năng và các tổ chức, cá nhân liên quan.

- Chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh và các hoạt động liên quan; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên gia súc, gia cầm trong diện hẹp; đảm bảo ổn định sản xuất chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe người dân.

2. Yêu cầu:

- Công tác tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất. Chủ động phương án, nguồn nhân lực, vật tư để xử lý khi phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao; đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia và những người liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, tập huấn

- Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y và cơ chế, chính sách hỗ trợ về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Thông tin kịp thời về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Kịp thời biểu dương các địa phương, tổ chức, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt; đồng thời, phê bình, nhắc nhở kịp thời, kiểm điểm nghiêm túc các địa phương, tổ chức, cá nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Tăng cường thực hiện các phóng sự, tin bài, phổ biến hướng dẫn về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm thường gặp, các bệnh mới nổi nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thú y các cấp, cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ, người chăn nuôi… nhằm củng cố lực lượng thú y, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại cơ sở.

2. Phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm

- Thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và Thông tư số 09/2021/TT- BNNPTNT ngày 12/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thời gian tiêm phòng: Tổ chức 02 đợt tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm (Đợt 1: tháng 3 - 4/2024 và Đợt 2: tháng 9 - 10/2024). Ngoài các đợt tiêm phòng chính, thường xuyên thực hiện tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng chưa được tiêm trong đợt chính, số hết thời gian miễn dịch và mới phát sinh.

- Loại vắc xin:

+ Đối với đàn trâu, bò: Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục.

+ Đối với đàn lợn: Tiêm phòng vắc xin Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn cổ điển, Lở mồm long móng; trong đó: đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống; khuyến khích người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin Tai xanh cho đàn lợn nái, đực giống.

+ Đối với đàn gia cầm: Tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm, Niw-cat-xơn (gà, chim cút), Dịch tả vịt (vịt, ngan, ngỗng).

+ Đối với đàn chó, mèo: Tiêm phòng vắc xin Dại.

- Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng và đối với bệnh dại chó, mèo phải tiêm phòng đạt trên 70% tổng đàn chó, mèo.

- Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng định kỳ theo quy định, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh thường gặp, bệnh mới nổi cho đàn vật nuôi. Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi theo quy định pháp luật.

3. Giám sát dịch bệnh, giám sát tiêm phòng

- Giám sát dịch bệnh đến các thôn, xóm, tổ dân phố, khối phố, cơ sở chăn nuôi để phát hiện, báo cáo kịp thời; tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi và cán bộ chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc giám sát, theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh.

[...]