Kế hoạch 4855/KH-UBND năm 2011 tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020

Số hiệu 4855/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2011
Ngày có hiệu lực 17/11/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Hà Hòa Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4855/UBND-KH

Vĩnh Phúc, ngày 17 tháng 11 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2011 – 2020.

Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Quyết định số 19/2011/QĐ-UBND ngày 20/4/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 – 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 – 2015 mục tiêu đến năm 2020 với chủ đề “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức phong trào thi đua phấn đấu xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc giàu – đẹp – văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; hệ thống chính trị vững mạnh, xã hội ổn định; trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững; môi trường, sinh thái được cải thiện; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

c) Phấn đấu đến năm 2015: Toàn tỉnh có 58/112 xã (51,8%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó: Yên Lạc: 16/16 xã; thành phố Vĩnh Yên: 2/2 xã; thị xã Phúc Yên: 4/4 xã; Vĩnh Tường: 13 xã; Lập Thạch: 7 xã; Bình Xuyên: 6 xã; Tam Dương: 5 xã; Sông Lô: 3 xã; Tam Đảo: 2 xã.

Đến năm 2020: Toàn tỉnh có trên 104 xã (92%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó: Vĩnh Tường: 26/26 xã; Lập Thạch: 18/18 xã; Bình Xuyên: 9/10 xã; Tam Dương: 12/12 xã; Sông Lô: 11/16 xã; Tam Đảo: 6/8 xã; tỉnh đạt nông thôn mới.

2. Yêu cầu:

a) Phong trào xây dựng nông thôn mới phải thực sự trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thực sự là phong trào hành động cách mạng của toàn dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, phấn đấu xây dựng nông thôn mới Vĩnh Phúc giàu – đẹp – văn minh.

b) Phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới” phải được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực với phương châm “phát huy nội lực là chính”, phù hợp với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và thực hiện ở địa phương, cơ sở.

c) Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến kinh nghiệm hay trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về yêu cầu và nội dung xây dựng nông thôn mới hiện nay; gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng địa phương và tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền , biểu dương và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phê phán những lệch lạc về xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng xã nông thôn mới. Hoàn thành quy hoạch xã nông thôn mới vào tháng 11/2011, hoàn thành lập đề án xã nông thôn mới vào tháng 11/2011. Tập trung quy hoạch chung về không gian phát triển kinh tế - xã hội của xã làm cơ sở để quy hoạch chi tiết về phát triển kinh tế - xã hội của xã làm cơ sở để quy hoạch chi tiết về phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và thiết chế văn hóa, công trình thể thao trên địa bàn. Đồng thời phải tuân thủ đầy đủ thiết chế văn hóa, công trình thể thao trên địa bàn. Đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các bước và phải lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Huy động vốn cho thực hiện từng nội dung của Chương trình được thực hiện theo quy định của Chính phủ và các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân với khái toán vốn thực hiện Chương trình khoảng trên 23 nghìn tỷ đồng. Huy động các nguồn vốn phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, tiếp tục đầu tư cho giao thông nông thôn theo đề án đã được phê duyệt. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp. Thực hiện kiên cố hóa kênh mương, phấn đấu đến năm 2015 có 100% số xã hoàn thành cứng hóa đường giao thông nông thôn và 45% đường giao thông nội đồng.

4. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chiều sâu, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh chăn nuôi và thủy sản với an toàn dịch bệnh. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, từng bước cơ khí hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định; tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng nông sản. Hướng tới một nền nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao.

5. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp, sử dụng nguyên liệu đầu vào từ sản phẩm nông nghiệp và thu hút nhiều lao động ở nông thôn. Hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp dân doanh, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tại khu vực nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người địa phương trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển kinh tế hộ theo hướng gia trại, trang trại. Tiếp tục đổi mới, phát triển hoạt động của các HTX, tổ hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện theo cơ chế thị trường. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mục đích sản xuất theo quy hoạch và quy định của pháp luật.

6. Xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững và mang đậm bản sắc văn hoá của địa phương. Phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án xử lý chất thải rắn, nước thải ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; dự án xử lý rác thải sinh hoạt chung toàn tỉnh, nâng cao chất lượng môi trường ở các khu dân cư. Đến năm 2015 tỷ lệ thu gom chất thải rắn và tỷ lệ xử lý chất thải rắn đạt 90%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 100%, tỷ lệ che phủ rừng 26,7%.

7. Tập trung giải quyết đất dịch vụ, đất giãn dân, đất tái định cư, đất đấu giá, đất nhà văn hóa, đất trường học, có cơ chế hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo nông thôn; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân và lao động khu vực nông thôn để đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2011 cơ bản giải quyết xong đất dịch vụ; năm 2012 cơ bản xong đất giãn dân cho nông dân và nhân dân trong tỉnh, năm 2013 cơ bản giải quyết xong đất nhà văn hóa và đất trường học, giải quyết các tồn đọng về nhu cầu đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện. Thực hiện tốt đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa người dân nông thôn và thành thị.

8. Xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, đảm bảo an ninh nông thôn, đảm bảo ổn định để Phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, nhất là những địa phương, những nơi còn khó khăn, yếu kém. Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, gắn xây dựng Đảng với củng cố chính quyền. Đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, xây dựng khối đoàn kết thống nhất từ tỉnh đến cơ sở để tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện Chương trình nông thôn mới.

III. TIÊU CHUẨN THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

1. Tiêu chuẩn thi đua:

a) Đối với cấp huyện:

Phải là huyện có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong tỉnh, đồng thời là huyện tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

b) Đối với xã:

[...]