Kế hoạch 478/KH-UBND năm 2022 về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023

Số hiệu 478/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2022
Ngày có hiệu lực 26/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 478/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2023

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Tư pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2023.

b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết vướng mắc, bất cập trong công tác này, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

c) Đề cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật của Nhân dân; nghĩa vụ học tập pháp luật, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, qua đó tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

b) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn liền với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hoàn thành Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2023.

c) Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật sát với thực tiễn, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp với các kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật khác tại địa phương. Gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

d) Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được giao; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số, từng bước đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

II. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC

1. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật

Các Sở, ngành, địa phương lựa chọn nội dung pháp luật tuyên truyền, phổ biến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của các Sở, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào các nội dung:

- Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

- Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế.

- Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

- Các văn bản pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành.

- Quy định phục vụ cho công tác cải cách hành chính; chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

- Tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung Kết luận số 80-KL/TW và Công văn số 2104-CV/TU, ngày 09/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật.

- Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn năm 2022-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

- Lựa chọn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định tại Điều 11 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai phù hợp với đối tượng, địa bàn, mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

- Chú trọng các hình thức tuyên truyền, phổ biến gắn với thực hiện Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, như: Các thông tin cơ quan Nhà nước phải công khai theo quy định tại Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin qua các hình thức cụ thể được quy định tại Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin (Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; Đăng Công báo; Niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác; Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật...).

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, địa phương, Chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế, Trang thông tin điện tử của Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; mạng xã hội; các ứng dụng trên thiết bị di động; thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn pháp luật trực tuyến.

[...]