Kế hoạch 4715/KH-UBND năm 2020 phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 4715/KH-UBND
Ngày ban hành 16/10/2020
Ngày có hiệu lực 16/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4715/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; để phát triển các loại hình thương mại và dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó trọng tâm phát triển thương mại điện tử, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 với các nội dung sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Kết quả thực hiện:

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 2913/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc Phê duyệt Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

1.1. Về hạ tầng TMĐT:

- Hệ thống mạng lưới viễn thông, Internet cáp quang trên địa bàn tỉnh được chú trọng nâng cấp, mở rộng; các nhà mạng đảm bảo hệ thống cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet chất lượng cao. Trong đó 100% cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có trang bị mạng internet tốc độ cao.

- Việc giao dịch không sử dụng tiền mặt được chú trọng, ngày một phát triển, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động khuyến khích các giao dịch không sử dụng tiền mặt, sự phát triển và ra đời của nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng đã đáp ứng nhu cầu không sử dụng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp.

- Việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong cơ quan hành chính nhà nước đã được triển khai thực hiện, đến nay đã có 100% các cơ quan hành chính đã thực hiện ký số các văn bản hành chính; các lĩnh vực thuế, bảo hiểm đã chuyển qua hệ thống ký số chuyên dùng trong giao dịch.

- Công cụ quản lý về TMĐT từ Trung ương tới địa phương được phối hợp chặt chẽ, công cụ pháp luật minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý về TMĐT đảm bảo theo kịp xu thế phát triển TMĐT trong nước và thế giới.

1.2. Quy mô thị trường TMĐT

- Quảng Trị là một tỉnh nằm trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, TMĐT còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy thị trường TMĐT của tỉnh Quảng Trị tương đối nhỏ và còn nhiều mặt hạn chế.

- Đã có một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thường xuyên sử dụng mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trên các thiết bị di động như: Lazada, Shopee, Sendo... và trên các trang TMĐT bán hàng. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, người dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm, một bộ phận người dân đã thường xuyên truy cập các mạng xã hội, các công cụ bán hàng trực tuyến; các doanh nghiệp thường xuyên giao dịch và tương tác trên môi trường mạng.

1.3. Kết quả triển khai TMĐT địa phương giai đoạn 2016-2020

- 100% các cơ quan quản lý nhà nước có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công cho doanh nghiệp.

- 100% dịch vụ hành chính công cung cấp trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt mức độ 2; 30% dịch vụ công được cung cấp mức độ 3, 4 theo quy định.

- 100% giao dịch giữa cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử; 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện và qua bộ phận một cửa điện tử.

- 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

- 100% đơn vị lữ hành có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ cho khách hàng; 100% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch từ 2-4 sao ứng dụng TMĐT trong đặt phòng, đặt vé máy bay; 30% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch từ 1 sao trở xuống ứng dụng TMĐT trong đặt phòng, đặt vé máy bay trên các trang như: chudu24, booking.com, agoda.com, foody.vn, tripadvisor, mytour.vn, traveloka.vn ...

- 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT.

- Hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Công Thương và các Sở, ngành liên quan phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức đào tạo, tập huấn về TMĐT cho cán bộ, công chức cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.

- Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Sàn giao dịch TMĐT tỉnh tại địa chỉ www.quangtritrade.vn do Sở Công Thương chủ trì nhằm xây dựng một môi trường giao dịch trực tuyến cho cộng đồng doanh nghiệp; Hỗ trợ xây dựng 49 website cho các doanh nghiệp; Hỗ trợ nâng cấp website TMĐT cho 13 doanh nghiệp và đang tiếp tục hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia vào Sàn giao dịch TMDT.

- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý điều hành, đầu tư các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; xây dựng các website để giới thiệu, quảng bá, giao dịch bán hàng, trao đổi thông tin tìm kiếm mở rộng thị trường.

- Cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức và kỹ năng tin học văn phòng, trao đổi thư điện tử, truy cập Internet phục vụ công việc. Trình độ ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nhà nước được cải thiện rõ rệt; bình quân có 90-100% (có cơ quan 100%) cán bộ thành thạo tin học văn phòng, sử dụng mạng internet để trao đổi thư điện tử, khai thác thông tin. Việc sử dụng máy tính và mạng đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong công việc. Vì vậy, việc tiếp thu sử dụng và vận hành các ứng dụng CNTT, các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu không gặp khó khăn như các giai đoạn trước đây. Đây là tiền đề quan trọng để tiến hành xây dựng và triển khai các ứng dụng dùng chung trên môi trường mạng, ứng dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm ứng dụng khác tại các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

2. Thuận lợi, khó khăn:

2.1. Thuận lợi:

[...]