Kế hoạch 47/KH-UBND thực hiện Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Cà Mau năm 2021

Số hiệu 47/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2021
Ngày có hiệu lực 29/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/KH-UBND

Cà Mau, ngày 29 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TỈNH CÀ MAU NĂM 2021

- Căn cứ Công văn số 1100/BNN-VPĐP ngày 24/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trong năm 2021;

- Trên cơ sở Quyết định số 2224/QĐ-UBND ngày 17/12/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Cà Mau giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Cà Mau năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Cà Mau giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án OCOP).

- Xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án OCOP đạt hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

2. Yêu cầu

- Bám sát mục tiêu Đề án OCOP và tình hình thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương đưa nội dung Kế hoạch này vào chương trình công tác trọng tâm trong năm 2021 của đơn vị, địa phương; chủ động, quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch này nói riêng và Đề án OCOP nói chung trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

- Lồng ghép nguồn vốn các Chương trình, dự án trên địa bàn, nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung phát triển sản xuất; trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

II. MỤC TIÊU

- Về phát triển sản phẩm:

+ Phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm.

+ Công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3 - 4 sao.

+ Nâng hạng ít nhất 03 sản phẩm được công nhận năm 2020 (từ 3 sao lên 4 sao).

- Phát triển, nâng cấp ít nhất 28 - 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

- 100% cán bộ OCOP các cấp; 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP và 50% người lao động OCOP với trình độ phù hợp cho từng đối tượng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Củng cố, kiện toàn hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP

Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và Tổ Tư vấn giúp việc của Hội đồng (cấp tỉnh, huyện).

2. Tuyên truyền, truyền thông về Chương trình OCOP

2.1. Nội dung tuyên truyền:

- Mục đích, ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình OCOP; về các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước và các văn bản quy định có liên quan đến Chương trình của Trung ương, địa phương... để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và các chủ thể.

[...]