Kế hoạch 4625/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động về thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 4625/KH-UBND
Ngày ban hành 21/11/2023
Ngày có hiệu lực 21/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4625/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 21 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH UỶ VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23-CT/TW, NGÀY 25/5/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (Chỉ thị số 23-CT/TW); Nghị quyết số 149/NQ-CP, ngày 21/9/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW (Nghị quyết số 149/NQ-CP); Chương trình hành động số 43-CTr/TU, ngày 02/10/2023 của Tỉnh uỷ Phú Thọ về thực hiện Chỉ thị số 23- CT/TW (Chương trình hành động số 43-CTr/TU). Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, thực hiện các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chỉ thị số 23-CT/TW, Nghị quyết số 149/NQ-CP, Chương trình hành động số 43- CTr/TU; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, sở, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.

- Xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.

- Tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý Nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Yêu cầu

- Quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành, thị (cơ quan, đơn vị, địa phương) trong tỉnh phải kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo địa bàn được phân công phụ trách; không để tình hình trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn xã hội.

2. Tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về giao thông. Tập trung rà soát, quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông phục vụ công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

4. Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện nghiêm quy hoạch hệ thống giao thông được duyệt, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì đường bộ, kịp thời giải quyết các nút giao thông, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu và các điểm rẽ đảm bảo an toàn, hợp lý. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Thường xuyên duy trì việc kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

5. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Củng cố kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban An toàn giao thông tỉnh và cấp huyện theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng trong thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ và đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện phục vụ công tác cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện và kiểm định phương tiện giao thông.

6. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông, nhất là tại các đô thị, nơi tập trung đông dân cư; kết hợp đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng và thực hiện các giải pháp để bảo đảm trật tự đô thị, xây dựng đô thi văn minh, an toàn.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các kế hoạch và biện pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông; củng cố kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban An toàn giao thông cấp huyện theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng trong thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở tổng hợp đánh giá kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, kịp thời phát hiện những bất cập, vấn đề vướng mắc phát sinh, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.

- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn về các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của các Bộ, ngành liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, Ban An toàn giao thông cấp huyện về nội dung, chủ đề tuyên truyền, phối hợp phát huy hiệu quả việc tuyên truyền qua các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, các nền tảng kỹ thuật số…

- Tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm các địa phương trong và ngoài nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nhất là các kinh nghiệm về hạ tầng giao thông, phát triển tổ chức, quản lý giao thông… để vận dụng phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

- Phối hợp tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cũng như xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

- Chỉ đạo Ban An toàn giao thông cấp huyện phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương và sở, ngành chức năng tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa ùn tắc giao thông trên địa bàn. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông và khai thác các công trình giao thông; nâng cao vai trò trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở địa phương.

2. Công an tỉnh

- Nghiên cứu thực hiện các cơ chế phối hợp trong cung cấp thông tin để xác định và xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông. Đề xuất, kiến nghị lắp đặt các biển thông báo, cảnh báo và phối hợp xử lý, giải tỏa các vi phạm về kết cấu đường bộ và bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

- Tăng cường và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, như: Mở các chuyên mục tuyên truyền về an toàn giao thông, ưu tiên tuyên truyền vào các “khung giờ vàng”; thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook… Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình phối hợp giữa Công an tỉnh với các sở, ngành trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

[...]