Kế hoạch 4515/KH-UBND năm 2019 về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2020

Số hiệu 4515/KH-UBND
Ngày ban hành 18/12/2019
Ngày có hiệu lực 18/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Nguyễn Thị Thu Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 4515/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 18 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BẮC GIANG NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 136-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống chính trị tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thực hiện hiệu quả các nội dung cải cách hành chính nhà nước của tỉnh theo hướng nền hành chính phục vụ, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo phương châm hành động “kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ”; tập trung vào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tổ chức bộ máy; hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện chất lượng dịch vụ công; cải cách thủ tục hành chính, giảm tiêu cực, phiền hà, giảm tối đa thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Duy trì, nâng cao thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) nằm trong nhóm cao của cả nước.

2. Yêu cầu

Người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, các cơ quan, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế, triển khai các nhiệm vụ được giao, đảm bảo xác định cụ thể, rõ ràng nội dung nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện và thời gian hoàn thành.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và nội dung của công tác cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Cải cách thể chế

Các ngành, các cấp chủ động, kịp thời tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung, thẩm quyền, thể thức và kỹ thuật trình bày, trình tự, thủ tục ban hành theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Hoàn thiện quy định, quy chế về phân cấp, về phân công, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả quản trị hành chính nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Định kỳ, người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện phải trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, đối thoại để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Công khai, minh bạch văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chế độ, chính sách của ngành và địa phương.

2. Cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ; trong đó, đẩy mạnh thực hiện nội dung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí; chú trọng cắt giảm từ 25-30% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương đối với các thủ tục hành chính có thời hạn từ 15 ngày trở lên. Công khai, minh bạch các bộ TTHC trên trang thông tin điện tử hành chính công, trang thông tin điện tử của cơ quan, địa phương và tại Bộ phận Một cửa các cấp, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giải quyết TTHC.

Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp. Lựa chọn, bố trí đội ngũ công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; kịp thời thực hiện chế độ, chính sách, hỗ trợ về phụ cấp và trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Phấn đấu giải quyết trực tuyến mức độ 3 đạt 40% số hồ sơ phát sinh thực tế trong năm; mức độ 4 đạt 30% số hồ sơ phát sinh thực tế trong năm. Phấn đấu đạt từ 15% trở lên số hồ sơ TTHC được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế ... bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%.

Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 04/9/2019 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019, Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đổi mới, tăng cường công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về TTHC. Xem xét, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và việc giải quyết TTHC.

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, Kế hoạch số 47- KH/TU ngày 30/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang. Theo đó năm 2020, chỉ đạo các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy để đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho hợp lý, đi đôi với tinh giản tổ chức bên trong đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, phù hợp. Định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh đã thực hiện phân cấp.

Tiếp tục cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ chi thường xuyên.

Thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.

[...]