Kế hoạch 41/KH-BGDĐT về tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt năm 2020 (trong khuôn khổ các dự án ODA) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 41/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 22/01/2020
Ngày có hiệu lực 22/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Hữu Độ
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIẢNG VIÊN SƯ PHẠM, GIẢNG VIÊN QUẢN LÝ GIÁO DỤC CHỦ CHỐT NĂM 2020 (TRONG KHUÔN KHỔ CÁC DỰ ÁN ODA)

Căn cứ Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về ban hành Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; Căn cứ Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GDĐT về ban hành Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới; Căn cứ Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT ngày 04/12/2019 về việc ban hành danh mục các mô đun bồi dưỡng giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ triển khai các Dự án ODA của Bộ GDĐT, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên (GV), cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT), giảng viên sư phạm chủ chốt, giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt năm 2020 (trong khuôn khổ các dự án ODA). Kế hoạch cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Tăng cường năng lực theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ GV, CBQLCSGDPT, giảng viên sư phạm chủ chốt và giảng viên quản lý giáo dục (QLGD) chủ chốt nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

2. Yêu cầu: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng được bồi dưỡng trên quan điểm thường xuyên, liên tục, tại chỗ; tránh chồng chéo, trùng lặp; đảm bảo kết quả bồi dưỡng thiết thực, bền vững, hiệu quả cao.

II. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG

Đối tượng được bồi dưỡng trong khuôn khổ các dự án ODA năm 2020 gồm:

1. GV phổ thông, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông.

2. Giảng viên sư phạm chủ chốt và giảng viên QLGD chủ chốt.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thời gian bồi dưỡng: Từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2020 (Khung thời gian chi tiết được trình bày trong Phụ lục 2).

2. Số lượng bồi dưỡng: Số lượng các đối tượng tham gia bồi dưỡng phù hợp theo mục tiêu của từng dự án ODA.

Trước khi bồi dưỡng GV cốt cán và CBQLCSGDPT cốt cán, các giảng viên sư phạm và giảng viên QLGD chủ chốt của các trường đại học sư phạm, Học viện QLGD sẽ được bồi dưỡng bởi các tác giả phát triển nội dung, tài liệu của từng nội dung bồi dưỡng phù hợp.

3. Kế hoạch theo từng nhóm đối tượng (Khung kế hoạch chi tiết được trình bày tại Phụ lục 1):

3.1. Bồi dưỡng giảng viên sư phạm chủ chốt và giảng viên QLGD chủ chốt

Bồi dưỡng giảng viên sư phạm chủ chốt và giảng viên QLGD chủ chốt theo các nội dung như sau:

- Bồi dưỡng phát triển tài liệu các mô đun 2, 3, 4 để bồi dưỡng Giáo viên phổ thông (GVPT) và mô đun 2, 3, 4 để bồi dưỡng CBQLCSGDPT;

- Bồi dưỡng phát triển tài liệu các mô đun 5, 6, 7 để bồi dưỡng GVPT và mô đun 5, 6, 7 để bồi dưỡng CBQLCSGDPT;

- Bồi dưỡng giảng viên sư phạm chủ chốt để triển khai mô đun 2, 3, 4 trong bồi dưỡng GVPT;

- Bồi dưỡng giảng viên QLGD chủ chốt để triển khai mô đun 2, 3, 4 trong bồi dưỡng CBQLCSGDPT.

Nguồn kinh phí: Chương trình ETEP và Dự án RGEP.

3.2. Bồi dưỡng GVPT cốt cán, tổ trưởng chuyên môn và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán

a) Bồi dưỡng GV cốt cán

Tổ chức bồi dưỡng khoảng 28.000 GVPT cốt cán các mô đun sau:

- Mô đun 2: Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS);

- Mô đun 3: Kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực;

- Mô đun 4: Xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.

[...]