Kế hoạch 390-KH/BTGTW năm 2023 tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Số hiệu 390-KH/BTGTW
Ngày ban hành 15/11/2023
Ngày có hiệu lực 15/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Lại Xuân Môn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 390-KH/BTGTW

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TỔNG KẾT 50 NĂM NỀN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VIỆT NAM SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT (30/4/1975-30/4/2025)

Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (tại Công văn số 7907-CV/VPTW, ngày 18/9/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng), Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975- 30/4/2025), với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đánh giá sâu sắc, toàn diện nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; khẳng định thành tựu, chỉ rõ hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới.

- Thông qua các hoạt động tổng kết, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò, những đóng góp quan trọng của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật; đồng thời tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ, từ đó xác định rõ trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

- Cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần bồi đắp, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

2. Yêu cầu

- Tổng kết bảo đảm tính khách quan, khoa học, bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và thực tiễn văn học, nghệ thuật; phát huy dân chủ, huy động đóng góp trí tuệ, tâm sức của các cơ quan, tổ chức khoa học, các chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.

- Tổng kết bảo đảm thiết thực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị; bảo đảm hài hòa giữa các nội dung tổng kết với sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thông tin tuyên truyền kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Tổ chức các sự kiện

1.1. Hội nghị Văn nghệ toàn quốc Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025)

- Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Thành ủy Hà Nội và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thời gian tổ chức (dự kiến): 01 buổi sáng, ngày 28/4/2025 (bảo đảm tính gắn kết, phù hợp với tổng thể các hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất).

- Địa điểm tổ chức: Phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, số 01 đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội.

- Số lượng, thành phần: khoảng 400-500 đại biểu, bao gồm: các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội Trung ương; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ có liên quan; các đại biểu nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu; đại diện một số cơ quan thông tin đại chúng dự, đưa tin.

- Nội dung (có kế hoạch riêng):

+ Ôn lại truyền thống, khẳng định thành tựu đạt được và những vấn đề đặt ra của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất;

+ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo, ghi nhận thành tựu và đóng góp to lớn của lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 50 năm sau ngày đất nước thống nhất;

+ Tôn vinh các văn nghệ sĩ có đóng góp quan họng đối với sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Trong khuôn khổ Hội nghị, tổ chức đoàn tàu thống nhất đưa các đại biểu ở trong nước và ở nước ngoài từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội; tổ chức đoàn đại biểu dâng hương báo công các Vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ; đoàn đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, thành phố Hà Nội.

1.2. Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề: “Chung một cơ đồ Việt Nam”

- Cơ quan tổ chức: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

- Thời gian: từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2025.

- Nội dung: Liên hiệp và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương căn cứ điều kiện thực tế, phát động, tổ chức trong các cấp hội và hội viên cả nước sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; lấy chủ đề lớn, bao trùm là “biểu tượng non sông thống nhất”, từ đó cụ thể hóa, gắn với đặc trưng từng lĩnh vực nghệ thuật, hướng đến kỷ niệm 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; phản ánh được khí thế của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước; có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, trách nhiệm của văn nghệ sĩ với dân tộc trên hành trình đi đến phồn vinh, hạnh phúc. Tổ chức bình chọn các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu trong giai đoạn 1975-2025, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tầm vóc khu vực và thế giới, phản ánh chặng đường phát triển qua nửa thế kỷ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.

[...]