Kế hoạch 384/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 384/KH-UBND
Ngày ban hành 07/12/2022
Ngày có hiệu lực 07/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 384/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 07 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2022-2025

Thực hiện Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 (sau đây gọi là Kế hoạch) với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Phân công nhiệm vụ và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025.

2. Yêu cầu

Thực hiện có hiệu quả, nâng cao hiệu suất các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong để xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải, chuyển thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất khác, vừa đảm bảo an toàn môi trường, vừa quản lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, khép kín.

Đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu phân phối thực phẩm tới người tiêu dùng; nâng cao nhận thức, năng lực của người sản xuất, tuân thủ các quy chuẩn, quy định nhằm tạo ra sản phẩm an toàn.

Phát triển, nâng cấp, củng cố, mở rộng hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác.

Hoạt động bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm, đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch, triển khai các nội dung của Kế hoạch trong các chương trình, kế hoạch của các ngành, đơn vị và địa phương đảm bảo đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng môi trường nông thôn sạch, đẹp, an toàn, bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan do ảnh hưởng môi trường ô nhiễm, thực phẩm không an toàn, thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước kém chất lượng, giúp người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch, thuận lợi, đầy đủ, an toàn với chi phí hợp lý; người dân được sống trong môi trường an toàn và bền vững, sử dụng thực phẩm chất lượng, an toàn cho sức khoẻ, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần đẩy mạnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2025.

2. Mục tiêu cụ thể

- Có ít nhất 90% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 97% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt cho hộ gia đình tại các vùng chưa có khả năng tiếp cận với nguồn cấp nước tập trung, các vùng khan hiếm về nguồn nước, các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.

- Tối thiểu 50% số hộ dân nông thôn triển khai thực hiện các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải ran sinh hoạt được thu gom và xử lý; triển khai thực hiện 1-2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện với công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương.

- Có ít nhất 15% số hộ dân nông thôn áp dụng các biện pháp thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của khu vực; 50% số huyện triển khai thực hiện mô hình thu gom và xử nước thải sinh hoạt tập trung theo khu vực ấp, xã hoặc phi tập trung mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp tình hình thực tế địa phương và có khả năng nhân rộng.

- Có ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 80% phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, áp dụng công nghệ tiên tiến tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện môi trường.

- Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom và xử lý.

- Có 100% chất thải rắn và 50% nước thải của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý theo quy định.

- Tối thiểu 35% số huyện xây dựng và thực hiện đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng, cải tạo cảnh quan ao hồ.

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Có ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng, quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Cấp nước sạch nông thôn

[...]