Kế hoạch 38/KH-UBND về hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 38/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2022
Ngày có hiệu lực 24/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Văn Hồng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 24 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 12 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề để bứt phá và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phấn đấu năm 2022 đạt được một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như sau:

1. Lũy kế đến cuối năm 2022 có hơn 11.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó phát triển mới trong năm 2022 trên 1.400 doanh nghiệp.

2. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 600 doanh nghiệp thông qua các khóa đào tạo tập huấn.

3. Tiếp tục duy trì Hội nghị gặp gỡ giữa Chính quyền thành phố và Doanh nghiệp định kỳ 02 lần/năm.

4. Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia chuyển đổi số.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, tập trung quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, hỗ trợ hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, hướng dẫn các thủ tục hành chính thuế, kế toán và Bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp mới thành lập.

b) Phối hợp Cục Phát triển doanh nghiệp, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan Thuế, Sở, ban ngành thành phố và UBND quận, huyện triển khai, phổ biến các văn bản có liên quan cho cộng đồng doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh qua mạng, sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử,... trong hoạt động của doanh nghiệp. Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

d) Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành, cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

2. Sở Nội vụ: Chủ trì triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố.

3. Sở Tư pháp: Chủ trì triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giúp Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì thực hiện kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố từng năm và từng thời kỳ.

4. Sở Công Thương:

a) Chủ trì thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản trên địa bàn các quận, huyện. Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế, nhất là các cam kết theo Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP,...), để thống nhất nhận thức và quán triệt trong thực thi.

b) Phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ triển khai có hiệu quả hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 07/2018/HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

c) Phát triển hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn bao gồm: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper công nghệ) kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp thương mại, nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

d) Đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp; tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến, chương trình khuyến mại tập trung; nâng chất và đối mới các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, công nghiệp hỗ trợ như hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Cần Thơ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ. Triển khai Chương trình bình ổn thị trường lồng ghép với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác để phát triển, mở rộng kênh phân phối hàng hóa trong và ngoài nước.

đ) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.

5. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ: Tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07/2018/HĐND năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

[...]