Kế hoạch 3741/KH-UBND năm 2019 về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 do tỉnh Quảng Trị ban hành

Số hiệu 3741/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2019
Ngày có hiệu lực 16/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đức Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3741/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 16 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THI ĐUA THỰC HIỆN VĂN HÓA CÔNG SỞ” GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

Thực hiện Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019- 2025 (gọi tắt là Phong trào thi đua) và Công văn 1097/BTĐKT-VIII, ngày 10/6/2019 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, về việc tổ chức các phong trào thi đua; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua giai đoạn 2019 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Trị gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì Nhân dân phục vụ.

2. Yêu cầu

a) Việc thực hiện Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của tỉnh và các khối thi đua;

b) Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, liên tục, thường xuyên, có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến cụ thể phù hợp các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị;

c) Đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Phong trào thi đua.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Đối tượng:

a) Tập thể: Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Lực lượng vũ trang, Đơn vị sự nghiệp công lập, Doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là đơn vị, địa phương);

b) Cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức, viên chức).

2. Nội dung thi đua:

a) Đối với tập thể:

- Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

- Triển khai thực hiện tốt Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vi sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở gắn với thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, coi đây là khâu quan trọng, then chốt trong nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm và cả giai đoạn. Xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, thân thiện, liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức: “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”:

- Có tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính.

- Chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử.

- Chuẩn mực về đạo đức, lối sống.

- Trang phục gọn gàng, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc.

- Tích cực tham gia các phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị và địa phương phát động, tổ chức.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các đơn vị, địa phương, các khối thi đua căn cứ vào đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể để có các hình thức tuyên truyền phù hợp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua, tránh hình thức, lãng phí.

2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, bám sát cơ sở nhằm phát hiện, đề xuất biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua.

[...]