Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2020 thực hiện Kết luận 265-KL/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 18/03/2020
Ngày có hiệu lực 18/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Nguyễn Văn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 18 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 265-KL/TU NGÀY 28/11/2019 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2020-2025

Thực hiện Kết luận số 265-KL/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Kết luận số 265-KL/TU);

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 265-KL/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai có hiệu quả Kết luận số 265-KL/TU, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025;

- Tăng cường sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch được tiến hành nghiêm túc, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút sự quan tâm của các cộng đồng, doanh nghiệp và người tiêu dùng; Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tỉnh để phục vụ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức triển khai, quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, quy định pháp luật về công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng

- Xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng;

- Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng;

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm

a) Lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

- Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước thông qua việc áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thng quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ở cả ba cấp: Tỉnh, huyện, xã;

- Triển khai xây dựng, áp dụng quy chuẩn địa phương tiến tới dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại để bảo vệ hàng hóa nội địa một cách hữu hiệu; khuyến khích xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại doanh nghiệp; Phối hợp xây dựng, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và các TCVN, QCVN mới ban hành có ảnh hưởng nhiều đến thị trường sản xuất, sản phẩm/hàng hóa chủ lực của tỉnh như: nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm, hiệu suất năng lượng, phân bón...;

- Khuyến khích đẩy mạnh hoạt động xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực hiện đang là "điểm nóng" của tình trạng gian lận về đo lường, chất lượng như xăng dầu, vàng, đồng hồ đo nước lạnh, điện...

b) Lĩnh vực Đo lường

- Xây dựng Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

- Rà soát, kiện toàn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách và danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, tập trung vào các ngành lĩnh vực như: Xây dựng, giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp, công thương, dịch vụ tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng...;

- Xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại; duy trì hệ thống chuẩn đo lường, đảm bảo độ chính xác và tính liên kết với chuẩn đo lường quốc gia của Việt Nam; Phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để phục vụ nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp;

- Kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu gắn thiết bị ghi, in kết quả đo;

- Thường xuyên tổ chức kiểm định cân đối chứng miễn phí cho các tiểu thương tại các chợ trung tâm, chợ đầu mối nhằm đảm bảo về đo lường trong thương mại bán lẻ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

c) Lĩnh vực Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

- Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống truy xuất nguồn gốc các ngành lĩnh vực theo định hướng chung của địa phương (Hệ thống quản lý và lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc của địa phương; hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của địa phương);

[...]