Kế hoạch 3566/KH-UBND năm 2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 3566/KH-UBND
Ngày ban hành 18/07/2021
Ngày có hiệu lực 18/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3566/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 18 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 23/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai xây dựng Đề án, Nghị quyết Chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI

Công nghệ số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang áp dụng công nghệ hiện đại như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI),…

Thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, nó tác động rất lớn tới các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải chủ động, thay đổi cách thức quản lý, lãnh đạo cũng như trong hoạt động sản xuất để đạt được những lợi ích tốt nhất. Thời đại công nghệ số ra đời, nó cũng là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đưa ra được những hướng giải quyết, thay đổi sẽ giúp biến thách thức thành cơ hội, từ đó, doanh nghiệp sẽ không ngừng phát triển và vươn xa mạnh mẽ.

Doanh nghiệp công nghệ số là doanh nghiệp thay đổi từ cách thức quản lý, điều hành, quá trình sản xuất… từ phương pháp truyền thống sang phương thức ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong quản lý, quy trình sản xuất một cách toàn diện.

Toàn tỉnh hiện nay có trên 600 doanh nghiệp có kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Ninh Thuận chưa có doanh nghiệp nào áp dụng được những công nghệ hiện đại như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI),… vào trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh một cách toàn diện.

1. Mục tiêu:

a) Đến năm 2025:

Toàn tỉnh có ít nhất 05 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 02 doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

b) Đến năm 2030:

Toàn tỉnh có ít nhất 08 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 03 doanh nghiệp làm chủ công nghệ, cung cấp các sản phẩm, giải pháp phần mềm phục vụ Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng thực tế trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trên cả nước.

2. Định hướng triển khai:

Tập trung xây dựng, phát triển các nhóm doanh nghiệp sau:

a) Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất;

b) Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội;

c) Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

d) Khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi, ứng dụng thành tựu công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về chính sách:

a) Hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường.

b) Xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh.

c) Hỗ trợ việc tạo ra các môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm ứng dụng công nghệ số trên địa bàn tỉnh.

[...]