Kế hoạch 355/KH-TANDTC-TĐKT năm 2020 về thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân giai đoạn 2020-2025 và trong năm 2021 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 355/KH-TANDTC-TĐKT
Ngày ban hành 15/12/2020
Ngày có hiệu lực 15/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Tiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 355/KH-TANDTC-TĐKT

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 VÀ TRONG NĂM 2021

Căn cứ chủ đề, nội dung phong trào thi đua “Vì công lý” do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát động tại Đại hội thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV; nhằm tổ chức phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án trong tình hình mới, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020-2025 và trong năm 2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy Đảng, tập thể lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

b) Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống Tòa án, huy động tối đa mọi tiềm năng, sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án theo Nghị quyết của Ban cán sự đảng và Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Tòa án nhân dân.

c) Đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong Tòa án nhân dân và trong xã hội.

2. Yêu cầu:

a) Mỗi cơ quan, đơn vị Tòa án bám sát chủ đề, nội dung thi đua “Vì Công lý”, chủ động xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua giai đoạn, trong năm, theo đợt, chuyên đề... phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế, vận dụng sáng tạo với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú tạo khí thế thi đua mới bằng hành động thiết thực, cụ thể góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khen thưởng, đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, thực sự có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương.

II. NỘI DUNG

1. Nhiệm vụ trọng tâm

a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kịp thời phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên

- Phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ban, ngành có liên quan về công tác thi đua, khen thưởng.

- Tập trung chỉ đạo, phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án trong thời kỳ mới, theo nội dung chỉ đạo, định hướng của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tại Đại hội thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV:

+ Thứ nhất, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới, với vị trí là trung tâm của hoạt động tư pháp, phát huy truyền thống và kinh nghiệm của 75 năm xây dựng và phát triển, các Tòa án cần tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với việc nâng cao chất lượng xét xử, có những giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt hiệu quả cao; không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Hoạt động Tòa án tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đảm bảo được các nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra quyết định. Tranh tụng trong xét xử được xem là giải pháp căn cơ trong công tác cải cách tư pháp hiện nay; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, hành chính; làm tốt công tác giám đốc việc xét xử; chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp.

+ Thứ hai, các Tòa án tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương IV khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, công chức liêm chính, công tâm; vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về đạo đức; tinh thông về pháp luật; đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, Thẩm phán, công chức phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào nghề nghiệp và nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; thực hiện nghiêm các chuẩn mực của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện.

+ Thứ ba, tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ cải cách tư pháp là một trong nội dung quan trọng của phong trào thi đua. Bên cạnh việc triển khai tốt “Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”, các Tòa án cần phát huy vai trò hỗ trợ của mình đối với các kênh giải quyết tranh chấp lựa chọn ngoài Tòa án như: trọng tài, thương lượng... để tạo sự đồng thuận trong xã hội, giảm tải việc xét xử tại Tòa án. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ; chủ động nghiên cứu, góp ý, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; về tổ chức các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, đội ngũ chuyên gia đầu ngành về tư pháp, chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

+ Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các Tòa án cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả công tác thi đua là tiêu chí chủ yếu để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống Tòa án phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua. Chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở, để lan tỏa hơn nữa hiệu ứng của các phong trào thi đua. Đồng thời, cần chú ý việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm cổ vũ, động viên phong trào thi đua, tạo hiệu quả thiết thực. Để phong trào thi đua “Vì Công lý” của Tòa án nhân dân thực sự mang đầy đủ ý nghĩa như tên gọi, giành nhiều thắng lợi, tạo khí thế mới và động lực quan trọng cho các Tòa án có những bước tiến mạnh mẽ, phát triển toàn diện.

b) Phát động phong trào thi đua, xây dựng các điển hình tiên tiến

- Xây dựng Kế hoạch thi đua, khen thưởng giai đoạn, trong năm; triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý”; các phong trào thi đua theo đợt hoặc chuyên đề, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc, Tòa án nhân dân.

- Bám sát và cụ thể hóa chủ đề, nội dung thi đua của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao và nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án, với mục tiêu chính là: Hoàn thành và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội Tòa án nhân dân tối cao và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Xây dựng hệ thống Tòa án trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nội dung cốt lõi là: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Tòa án, đặc biệt là công tác xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Xây dựng và rèn luyện đội ngũ công chức, Thẩm phán liêm chính, công tâm; vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về đạo đức, tinh thông về pháp luật; đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ cải cách tư pháp; chủ động nghiên cứu để giải quyết những vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới, mô hình mới trong phong trào thi đua, đặc biệt là đối với Thẩm phán “vững về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, thanh liêm và nêu gương mẫu mực” vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng niềm tin, sự trân trọng của người dân đối với Tòa án.

- Tiếp tục phát động phong trào, hưởng ứng cuộc vận động viết về “Những kỷ niệm sâu sắc không thể lãng quên của Thẩm phán TAND” theo Quyết định số 20/2020/QĐ-TATC ngày 12/5/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

c) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản về thi đua, khen thưởng trong hệ thống Tòa án để phù hợp với tình hình mới

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội và các quy định mới của pháp luật, phù hợp với đặc thù của Tòa án nhân dân.

- Các cơ quan, đơn vị các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng theo hướng tiêu chí, chỉ tiêu thi đua gắn với kết quả công tác chuyên môn và các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương.

[...]