Kế hoạch 351/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 351/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2021
Ngày có hiệu lực 24/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 351/KH-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG NGÀY 31/3/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới,

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg trên địa bàn tỉnh; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg gắn với các văn bản chỉ đạo khác về đảm bảo an ninh, trật tự trên lĩnh vực du lịch.

2. Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban, ngành và tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.

3. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy vai trò nồng cốt của lực lượng công an nhân dân, đề cao vai trò người đứng đầu trong xây dựng, triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động lợi dụng du lịch xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

4. Quá trình thực hiện phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Kết luận số 72- KL/TW ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh An Giang nói riêng; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài trong tình hình hiện nay.

2. Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, rửa tiền, ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự về trật tự xã hội tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững.

3. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy vai trò nồng cốt của lực lượng Công an nhân dân, đề cao vai trò của người đứng đầu địa phương trong xây dựng, triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch từ khâu lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương.

4. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ ta qua đường du lịch; phòng, chống tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học về du lịch. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm sai phạm gây cản trở sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có người Việt Nam ra nước ngoài du lịch. Chú trọng hợp tác quốc tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm của các nước phát triển trong công tác quản lý hoạt động du lịch; thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào du lịch.

6. Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan trong lĩnh vực du lịch theo hướng vừa tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư và khách nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần bịt kín “Kẻ hở”, không để các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

7. Bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhất là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về du lịch, nhân viên điều hành, hướng dẫn viên du lịch….Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngay từ trong các cơ sở đào tạo.

8. Nâng cao năng lực dự báo, chủ động có các phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

Chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các chương trình, Đề án nhằm tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch theo hướng dẫn của Bộ Công an.

Phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động của khách du lịch nước ngoài tại địa phương và người địa phương đi du lịch ở nước ngoài; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch.

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu hoàn thiện, ban hành các văn bản về phát triển du lịch gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là công tác bảo vệ môi trường chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý cán bộ, đảng viên ra nước ngoài qua đường du lịch; tham gia ý kiến về mặt an ninh trong thẩm định hồ sơ cấp phép, quản lý các quy hoạch, đề án, dự án đầu tư du lịch có yếu tố nước ngoài, liên quan an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh; việc lập các văn phòng đại diện du lịch của tổ chức quốc tế và nước ngoài tại địa phương; quản lý người nước ngoài lao động và làm việc tại địa phương và người địa phương làm việc cho nước ngoài trong lĩnh vực du lịch.

- Xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, khu, điểm du lịch, điểm tham quan. Tăng cường công tác năm tình hình, xây dựng, triển khai có hiệu quả các kế hoạch đảm bảo an ninh trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Tăng cường nắm hoạt động của các hội, nhóm trang mạng xã hội do người ngước ngoài thành lập hoạt động trên lĩnh vực du lịch; các hội, nhóm, trang mạng xin thị thực du lịch để xuất khẩu lao động trái phép. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu, xác thực căn cước công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ngăn chặn tội phạm sử dụng căn cước công dân giả.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về du lịch. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trên lĩnh vực du lịch; kiến nghị những biện pháp quản lý khách du lịch, nhất là khách tự do, khách được miễn thị thực và các loại hình lưu trú, loại hình du lịch mới, kinh doanh tour du lịch “giá rẻ”, chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực…) để phục hồi du lịch của địa phương trong bối cảnh bình thường mới.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số và hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch, quản lý khách du lịch, các khu, điểm du lịch, kết hợp xúc tiến quảng bá du lịch địa phương ra nước ngoài.

Phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại địa phương. Định kỳ, đột xuất trao đổi, phối hợp với Công an tỉnh về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; việc thẩm định, cấp phép đối với các văn phòng đại diện du lịch của nước ngoài và tổ chức quốc tế tại địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực du lịch.

[...]