Kế hoạch 35/KH-UBND năm 2008 thực hiện Nghị Quyết 61/2007/NQ-CP và Quyết định 37/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 35/KH-UBND
Ngày ban hành 25/04/2008
Ngày có hiệu lực 25/04/2008
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thị Thúy Hòa
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/KH-UBND

Huế, ngày 25 tháng 4 năm 2008

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 61/2007/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 37/2008/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 2008 ĐẾN NĂM 2012 TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Nghị Quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX); Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Chỉ thị số 37/CT-TU ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Mục tiêu chung

a) Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị cần được quan tâm chỉ đạo tích cực, thường xuyên và thống nhất của các cấp ủy Đảng; phải tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

b) Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày, đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của cán bộ, nhân dân nhằm trang bị kiến thức và nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo điều kiện để cán bộ, công chức và nhân dân sử dụng pháp luật làm phương tiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực hiện nhiệm vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương bộ máy Nhà nước và tạo được chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số ở một số xã miền núi, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

c) Xây dựng và phát triển mạnh đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; trong đó, nòng cốt là cán bộ đoàn thể; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, cụm dân cư, già làng, trưởng bản và đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân tại các trường phổ thông cơ sở và trung học phổ thông.

d) Xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh với các tổ chức, đoàn thể trong xã hội có liên quan để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng với tình hình mới.

đ) Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong việc đưa pháp luật đến từng tổ dân phố, thôn, bản, làng, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, hình thành ý thức tìm hiểu pháp luật như là một hoạt động thường xuyên ở cơ sở.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến hết năm 2012, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:

a) Từ 80 - 90% người dân trong toàn tỉnh được tuyên truyền các văn bản pháp luật quan trọng và các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn cụ thể;

b) Từ 95% cán bộ, công chức, viên chức trở lên được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình;

c) 95% người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân và người lao động;

d) 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân được trang bị kiến thức pháp luật về an ninh, quốc phòng và các quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ;

đ) 95% thanh thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan trực tiếp tới đối tượng này.

3. Yêu cầu

a) Tiếp tục kế thừa và phát huy các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả. Chú trọng và lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Trên cơ sở các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả đã được thực hiện tại các xã, phường, thị trấn được chọn điểm để triển khai các Đề án thuộc Chương trình 212 theo Kế hoạch số 32/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2006 đến năm 2010, tiếp tục mở rộng phạm vi thực hiện các Đề án đến 152 xã, phường, thị trấn. Khai thác có hiệu quả, sáng tạo các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật đã phát huy tác dụng ở cơ sở như: lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các buổi họp dân; mở hòm thư giải quyết khiếu nại tố cáo tại các đơn vị xã, phường, thị trấn; hoạt động hoà giải ở cơ sở; phổ biến pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở,... Bên cạnh đó, cần đổi mới trong phương thức thực hiện, kết hợp lồng ghép công tác trợ giúp pháp lý với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai ở địa phương.

c) Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, chương trình, đề án của Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội khác với công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách.

d) Kết hợp phổ biến giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống; đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự nguyện, tự giác tìm hiểu và chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện pháp luật và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

đ) Ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt là những khu vực có nhiều vi phạm pháp luật, cần tăng cường các phương tiện, điều kiện phục vụ và các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, có hiệu quả; vận động nhân dân chấp hành pháp luật.

II. ĐỐI TƯỢNG:

Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho 6 nhóm đối tượng sau:

1. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục công dân và cán bộ quản lý tại các trường học).

2. Người dân thành phố, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang.

[...]