Kế hoạch 331/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030

Số hiệu 331/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 331/KH-UBND

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Căn cứ tình hình thực tế, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện bình đẳng giới; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc.

- Đến năm 2025, 100% Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hàng năm.

- Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025.

- Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 80% cơ quan truyền thông triển khai áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 100% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông.

- Đến 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

- Thường xuyên, định kỳ cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, giao lưu học tập kinh nghiệm, ... về bình đẳng giới trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

- Đa dạng hóa các loại hình, các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực dân cư; chú trọng hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng trong đó ưu tiên các nhóm vùng dân tộc, miền núi, địa bàn khó khăn, còn tồn tại nhiều định kiến giới, vùng bị dịch bệnh, thiên tai. Huy động sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, nam giới, thanh thiếu niên tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

- Tuyên truyền, giới thiệu các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình trong chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, phổ biến về bình đẳng giới và các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông trong các đợt cao điểm, ngày Lễ hàng năm như: Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12).

2. Đổi mới về hình thức và phương thức truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Chú trọng đưa thông điệp bình đẳng giới vào các sản phẩm truyền thông phù hợp, sáng tạo, hiệu quả và có tính lan tỏa tốt.

3. Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông, kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các mô hình truyền thông, sản xuất tài liệu truyền thông phù hợp cho các nhóm đối tượng.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện, kỹ thuật và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

5. Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, tại nhà trường và cộng đồng. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; nhân rộng các mô hình: “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình không bạo lực, các câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực,...; trong xây dựng các thiết chế văn hóa, hương ước, quy ước; trong các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật của các cơ quan, tổ chức và địa phương.

6. Triển khai, áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đầu tư, xây dựng và nâng cao năng lực công tác tuyên truyền bình đẳng giới cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, biên tập viên, người làm công tác truyền thông, cộng tác viên ở các ngành, các cấp.

7. Tăng cường truyền thông về luật pháp, chính sách và những thành tựu, kết quả về bình đẳng giới của Hà Nội, Việt Nam cho bạn bè, đối tác quốc tế; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về các chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố về bình đẳng giới.

8. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.

9. Tổng hợp, đánh giá, biểu dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Kế hoạch và nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế, huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.

[...]