Kế hoạch 33/KH-UBND về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 33/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2019
Ngày có hiệu lực 14/03/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 14 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2019

Thực hiện Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 26/12/2012 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Căn cứ Kế hoạch số 48/KH-UBATGTQG ngày 31/01/2019 của Ủy ban ATGT Quốc gia về Kế hoạch năm an toàn giao thông 2019; Thông báo kết luận số 34/TB-UBND ngày 31/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT và Giao thông nông thôn (GTNT) năm 2018, nhiệm vụ năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Kế hoạch công tác bảo đảm TTATGT năm 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người điều khiển mô tô, xe gắn máy, doanh nghiệp và lái xe vận tải khách.

2. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước và công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội với các huyện, thành phố trong công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường hiệu lực và kỷ cương của lực lượng thực thi công vụ để tạo đột phá trong công tác bảo đảm TTATGT.

3. Tiếp tục giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm 10% số nạn nhân thương vong do TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hành khách và xe mô tô, xe gắn máy.

II. YÊU CẦU

1. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã ngay từ tháng đầu năm 2019.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo tiết kiệm, tuyệt đối tránh hình thức.

3. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, chiến sỹ, viên chức và  người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

4. Rà soát tổng thể hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường ngang dân sinh, những điểm có nguy cơ gây tai nạn giao thông (điểm đen) để có biện pháp giải quyết nhằm bảo đảm ATGT.

5. Tập trung thực hiện các biện pháp quản lý xe vận tải hành khách ngay từ khi xuất bến, kiên quyết không cho xuất bến với những xe ô tô không đảm bảo các quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện và thể lệ vận tải; các tuyến xe buýt; xe đưa đón công nhân, học sinh; Giải quyết dứt điểm tình trạng xe ô tô chở quá tải, xe ô tô cơi nới thành, thùng trên địa bàn tỉnh trong năm 2019.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Để thực hiện được mục tiêu trên, các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Bám sát chủ đề Năm an toàn giao thông 2019 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương để tổ chức triển khai công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Kế hoạch số 7901/KH-UBND ngày 04/11/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc Thực hiện Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số biện pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; Thông báo kết luận số 34/TB-UBND ngày 31/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT và Giao thông nông thôn (GTNT) năm 2018, nhiệm vụ năm 2019.

2. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT. Chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không chấp hành tín hiệu đèn, không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai khi đi xe mô tô, xe gắn máy, chở quá số người quy định. Tiếp tục tăng cường xử lý xe ô tô chở quá tải trọng cho phép, xe ô tô cơi nới thành thùng trái quy định. Phải chú trọng công tác tuần lưu, phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xử lý đúng và trúng đối tượng vi phạm, tập trung vào vận tải hành khách, người đi xe mô tô, xe gắn máy là các đối tượng thanh thiếu niên.

3. Tiếp tục thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 1919/KH-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT, thiết lập kỷ cương TTATGT trên địa bàn tỉnh; công văn số 562/UBND-CN1 ngày 21/01/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện công tác lập lại trật tự hành lang ATGT; xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, san lấp mặt bằng hành lang, rửa xe trên đường Quốc lộ 2 nhất là  thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, các hộ dân xây dựng công trình kiên cố trên đất hành lang ATGT dọc tuyến Quốc lộ 2 qua địa bàn các xã Đại Đồng, Tân Tiến của huyện Vĩnh Tường, hiện tượng lấn chiếm tại các xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên của huyện Yên Lạc; các tuyến phố trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên; thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên;...

4. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học.

5. Tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; thường xuyên thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực (nếu có) trong công tác này. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với ngành liên quan chỉ đạo các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy trình khám sức khỏe cho người học, thi, cấp lại Giấy phép lái xe.

6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT.

7. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Thường xuyên, rà soát những bất cập, những điểm có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường để cải tạo, thay thế hệ thống biển báo, gương cầu, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu chỉ huy giao thông; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong khắc phục các vấn đề bất hợp lý trong tổ chức giao thông thực hiện chậm hoặc không thực hiện dẫn đến TNGT và nguy cơ mất ATGT.

8. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và giảm giá thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải hàng hóa đường sắt, đường thủy nội địa; mở rộng các tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt, tuyến nội tỉnh, liên tỉnh; kiểm soát và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt trong các khu vực trung tâm đô thị; xây dựng hệ thống nhà chờ xe buýt kết hợp với tuyên truyền về an toàn giao thông để phục vụ thuận lợi và an toàn cho nhân dân tốt hơn.

9. Cân đối các nguồn kinh phí theo quy định để đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT; công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm TTATGT.

10. Các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố, các tổ chức, đoàn thể phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; chính quyền các cấp phải phân công nhiệm vụ cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng về chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; từng đơn vị, từng địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT bằng những chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, phù hợp với phạm vi trách nhiệm và địa bàn quản lý. Quy định việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT khi bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật của các cấp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này và căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị, cơ quan, UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các lực lượng chức năng, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch hoạt động Năm an toàn giao thông 2019 với chủ đề “ An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” và triển khai xuống các huyện, thành phố, phường, xã. Đồng thời tiếp tục triển khai thực các nhiệm vụ, các giải pháp đồng bộ trọng tâm của Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 26/12/2012 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 11/CT-CT ngày 11/9/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát tải trọng xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường giao thông tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch số 7901/KH-UBND ngày 04/11/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thực hiện Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số biện pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; Trước mắt cần tập trung thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 10354/KH-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, đồng thời có thông báo phân công cụ thể cho từng phòng, ban, bộ phận, cá nhân để triển khai thực hiện có hiệu quả, nhằm kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

[...]