Kế hoạch 3260/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 3260/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2024
Ngày có hiệu lực 24/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3260/KH-UBND

Bình Dương, ngày 24 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 02/CT-TTG NGÀY 26/01/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI TRONG PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 02/CT-TTg), theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1319/TTr-SGDĐT, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, có văn hóa, sống tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến, có ý thức tự giác trong học tập, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật trên ghế nhà trường; đồng thời tiếp thu nhanh và có kỹ năng hội nhập quốc tế trong thời đại kỷ nguyên số.

- Tăng cường các điều kiện về vật chất và tinh thần trong các cơ sở giáo dục, trường học, xây dựng môi trường giáo dục bảo đảm an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa góp phần giữ gìn an ninh trật tự trường học; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ sống, lao động, học tập, làm việc theo pháp luật. Học sinh, sinh viên được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái, được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả, chất lượng Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các cơ sở giáo dục, trường học bảo đảm thực hiện nghiêm, đúng các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; công tác phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong trường học phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt; phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

- Nội dung:

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống, học tập, việc làm cho học sinh, sinh viên; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và UBND tỉnh về việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên; các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh phòng chống "Diễn biến hòa bình", phản bác các luận điệu thông tin sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong việc phối hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; tố giác các hành vi phạm tội.

- Hình thức:

Đa dạng hóa và lồng ghép các hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục; các hội nghị, hội thảo, triển lãm; phóng sự, bài viết trên báo, đài; các phương tiện trực quan; các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, Đoàn, Hội, Đội; các cuộc thi về lý tưởng cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh; vinh danh, tuyên dương, khen thưởng các tấm gương thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tiêu biểu trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và rèn luyện. Quản lý nội dung và khai thác hiệu quả hệ thống truyền thông, văn hóa, thể thao sẵn có và tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, Internet, mạng xã hội để phục vụ cho công tác tuyên truyền.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong các cơ sở giáo dục

- Xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên được quy định tại các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GDĐT[1] bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng cấp học và trình độ đào tạo.

Đối với giáo dục mầm non: Tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp mầm non, trong gia đình và cộng đồng.

Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật đảm bảo phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Giáo dục đại học: Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và đất nước; gắn giáo dục lý luận chính trị với giáo dục kỹ năng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức.

- Tăng cường các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm, giao lưu trao đổi kiến thức, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua trong các cơ sở giáo dục.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên

- Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý; giảng viên, giáo viên các bộ môn: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lý luận chính trị, Pháp luật...; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường với việc đảm bảo an toàn trường học.

- Bồi dưỡng, phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác chính trị tư tưởng, công tác học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội.

4. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh, sinh viên, thực hiện cam kết với nhà trường về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.

- Xây dựng môi trường nhà trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện: Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường. Tiếp tục thực hiện và đưa nội dung của phong trào "Thi đua Dạy tốt - Học tốt"; phong trào xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch" thành các hoạt động thường xuyên trong các cấp học mầm non và phổ thông. Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường phổ thông có phòng tư vấn tâm lý học đường và bố trí cán bộ, giáo viên phụ trách, kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp.

[...]