Kế hoạch 320/KH-UBND năm 2022 về tiếp tục thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 320/KH-UBND
Ngày ban hành 20/05/2022
Ngày có hiệu lực 20/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 320/KH-UBND

An Giang, ngày 20 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1299/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Công văn số 2414/VPCP-KGVX ngày 18 tháng 4 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Kế hoạch số 820/KH-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giáo dục thế hệ trẻ biết sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp, khát vọng cống hiến trong bối cảnh toàn cầu hóa với cuộc cách mạng 4.0 và đổi mới giáo dục, đào tạo trong thời gian tới.

Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục; phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành và địa phương trong triển khai thực hiện Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án 1299).

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng văn hóa ứng xử học đường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện; động viên, khen thưởng các trường học làm tốt, xây dựng các mô hình hiệu quả, sáng tạo; xử lý nghiêm các đơn vị để xảy ra các vấn đề bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa trong nhà trường.

2. Yêu cầu

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 1299 giai đoạn 2022 - 2025 nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học gắn với thực hiện đạo đức công vụ, văn hóa công sở.

Nội dung Kế hoạch phải thiết thực, gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp ở các cấp, nối tiếp các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 820/KH-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bảo đảm công tác phối hợp thường xuyên, hiệu quả, đúng tiến độ giữa các Sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong Kế hoạch. Các hoạt động triển khai thực hiện Đề án 1299 phải đảm bảo phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải pháp của Đề án 1299 nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo triển khai nhiệm vụ giải pháp của Đề án 1299 giai đoạn 2022 - 2025.

Tiếp tục thực hiện công tác định hướng, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa ứng xử trong các nhà trường và phòng, chống bạo lực học đường. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trên môi trường mạng cho cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên (HSSV); tiếp tục bổ sung, hoàn thiện việc xây dựng quy tắc ứng xử trên môi trường mạng và triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1299 bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

2. Chú trọng công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1299; gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu gương “Người tốt, việc tốt”.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục hướng tới xây dựng con người mới nói chung và HSSV nói riêng hiểu biết về khoa học công nghệ, có ý chí vươn lên đáp ứng với yêu cầu mới và cuộc cách mạng 4.0.

Tuyên truyền, giáo dục hướng tới xây dựng HSSV có ý thức tự giác thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, lối sống văn hóa; thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về xây dựng văn hóa ứng xử học đường.

Chú trọng tới việc xây dựng, phát huy các thiết chế văn hóa trong trường học theo quy định; hoàn thiện thiết chế văn hóa cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thu hút đông đảo HSSV và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao trong cộng đồng xã hội.

Xây dựng, nhân rộng mô hình trường học văn hóa, trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa tiêu biểu,… nhằm tạo sự lan toả từ hiệu quả của việc giáo dục nhân cách, đạo đức nếp sống, lối sống văn hóa trong cộng đồng; phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu, làm tốt công tác giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm xây dựng văn hóa học đường.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của HSSV, cán bộ quản lý, giáo viên người lao động trong đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; vận động mọi người trong xã hội tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở gia đình, cộng đồng xanh, sạch, đẹp, an toàn.

3. Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các hoạt động giáo dục văn hóa, thể thao, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Phát triển sâu rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong cán bộ, nhà giáo, người lao động và HSSV trong các cơ sở giáo dục; tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật trong cơ sở giáo dục. Hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật được tổ chức phải chú ý đến hiệu quả truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức thẩm mỹ, phát triển nhân cách con người.

Tổ chức các hoạt động giáo dục tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, đền đài, nghĩa trang, các hoạt động chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách trở thành việc thường xuyên và trọng tâm vào các ngày lễ lớn góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh về lòng biết ơn các thế hệ đi trước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng ý chí phấn đấu trong học tập, tu dưỡng để xứng đáng với sự hy sinh và truyền thống của các thế hệ cha ông.

[...]