Kế hoạch 320/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 89/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Số hiệu 320/KH-UBND
Ngày ban hành 02/10/2018
Ngày có hiệu lực 02/10/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Ngọc Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 320/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 02 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 89/NQ-HĐND NGÀY 18/7/2018 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

Thực hiện Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 89/NQ- HĐND); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 89/NQ-HĐND nhằm góp phần bảo vệ, khai thác sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tổng hợp tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

- Phân công cụ thể trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết đề ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công bố, công khai và phổ biến các nội dung Quy hoạch

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Công bố Quy hoạch, Kế hoạch đến các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thông qua trang thông tin điện tử của tỉnh, của ngành và phương tiện thông tin đại chúng.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị Quyết số 89/NQ-HĐND.

1.2. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú báo chí tại tỉnh Hà Tĩnh và hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

2. Phân bổ tài nguyên nước

2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hằng năm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan: Tổng hợp, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo nhu cầu sử dụng nước; giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước cho các mục đích theo phân vùng chức năng sử dụng.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh xây dựng, duy trì, quản lý mạng lưới giám sát tài nguyên nước.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, công trình thủy lợi điều tiết, phân bổ nguồn nước từ các hồ chứa, công trình thủy lợi theo thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

- Hằng năm chủ trì, phối hợp UBND cấp huyện cập nhật, tổng hợp nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản; tính toán lượng nước đến và kế hoạch điều tiết, phân bổ nguồn nước tại các hồ chứa, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

2.3. Các Sở: Công Thương, Xây dựng, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch: Phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổng hợp nhu cầu khai thác, sử dụng nước hằng năm của ngành, lĩnh vực, đơn vị mình và dự báo nhu cầu sử dụng nước cho năm tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

2.4. UBND cấp huyện: Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan theo dõi giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước theo đúng phân vùng chức năng nguồn nước tại các hồ, đập, sông, suối, kênh, mương, tầng chứa nước trên địa bàn mình quản lý.

3. Bảo vệ tài nguyên nước

3.1. Bảo vệ nguồn nước mặt

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hằng năm lập kế hoạch, tổ chức chỉ đạo thực hiện việc tu bổ, nâng, cấp và sửa chữa các hồ chứa đảm bảo thực hiện tốt chức năng của hồ; bảo vệ, duy trì diện tích rừng trong phạm vi lưu vực hồ.

- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân khai thác hồ chứa thủy lợi xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện hướng dẫn, tổ chức trồng và bảo vệ các loại rừng (rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng); tăng cường diện tích trồng rừng ở các vùng, tiểu vùng có độ dốc lớn; chuyển đổi hoặc bổ sung chức năng rừng đặc dụng ở một số khu rừng phòng hộ vùng thượng lưu sông Ngàn Trươi, Ngàn Sâu, Ngàn Phố; Quy hoạch rừng phòng hộ gắn với các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện đầu nguồn như Kẽ Gỗ, Hố Hô, Ngàn Trươi...

- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện các giải pháp bảo vệ, phân bổ tài nguyên nước hợp lý, tiết kiệm; nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi.

[...]