Kế hoạch 3038/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 3038/KH-UBND
Ngày ban hành 08/08/2022
Ngày có hiệu lực 08/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hồ Đại Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3038/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 08 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện Thông báo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy số 715-TB/TU ngày 06/7/2022 về triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nghị ; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIA KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021-2020

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

- Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm giảm bình quân 1,61% đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 70,0%, tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm đạt 85%;

- Số lao động được tạo việc làm tăng thêm 79,1 nghìn người, xuất khẩu lao động trung bình 3.000 người/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tân Sơn giảm bình quân 4,23%/năm, đạt và vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 4%/năm); năm 2018 huyện được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN

1. Dự án 1: Chương trình 30a

1.1. Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường; tăng số lượng, nâng cao chất lượng lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại huyện nghèo, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

1.2. Kết quả thực hiện: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ, Chương trình 30a trên địa bàn huyện Tân Sơn đã đạt được những kết quả nổi bật:

- Kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, khắc phục cơ bản tình trạng chia cắt về giao thông vào mùa mưa lũ, tỷ lệ xã có đường nhựa đến trung tâm xã đạt 100%; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa trên 70%; 100% khu dân cư có điện lưới quốc gia. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho trên 4.000 lượt hộ được thụ hưởng, trong đó tập trung hỗ trợ khoán chăm sóc và bảo vệ rừng, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với những sản phẩm chủ lực, mũi nhọn. Kinh tế tăng trưởng bình quân trên 7,5%/năm; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người 20 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với năm 2015).

- Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc: Quy mô, mạng lưới trường lớp học phát triển cả về số lượng và đảm bảo về chất lượng, số trường đạt chuẩn quốc gia là 48/54 trường (đạt 88,9%), 100% trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và truyền nghề đạt 49,5%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,59% (mức giảm bình quân trên 4%/năm). Hệ thống y tế được củng cố, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, 17/17 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 98,8% dân số được cấp thẻ bảo hiếm y tế. Toàn huyện có 01 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 5 tiêu chí trở lên (6-12 tiêu chí). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được nâng lên, diện mạo nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến tích cực.

- Công tác thông tin, truyền thông được tổ chức thường xuyên, sâu rộng và hiệu quả, tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp dân cư, nhất là người nghèo, hộ nghèo; từng bước giúp người dân tiếp cận và vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Chủ động, tích cực huy động các nguồn lực để lồng ghép thực hiện chương trình, theo đó tổng nguồn lực huy động ngoài các Chương trình mục tiêu quốc gia chiếm gần 70% tổng nguồn vốn, trong đó nguồn từ tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đạt trên 31.300 triệu đồng. Từ những kết quả quan trọng trên, huyện Tân Sơn đã vươn lên, thoát nghèo và được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2018, sớm 02 năm so với kế hoạch.

2. Dự án 2: Chương trình 135

2.1. Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

2.2. Kết quả thực hiện: Chương trình 135 được triển khai trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn đã mang lại hiệu quả thiết thực, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành diện mạo vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã được thay đổi toàn diện. Hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng an ninh được giữ vững. Các hộ nghèo được tiếp cận nguồn cây, con giống, vật tư phân bón và tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiếu số tiếp tục được cải thiện, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn với các vùng khác trên địa bàn.

- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 4%/năm; trên 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có điện, nước sinh hoạt; cơ bản xóa bỏ tình trạng nhà tạm; thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số ước đạt 21.125 nghìn/người/năm (bằng 51,78% so với mức bình quân chung của tỉnh).

- Cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế xã hội của bà con. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 66,2% (mục tiêu đặt ra trên 50%).

Công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số được quan tâm đảm bảo tỷ lệ và cơ cấu hợp lý. 100% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, 80% đạt trình độ cao đẳng trở lên. Trình độ dân trí, nguồn nhân lực vùng DTTS được đào tạo nghề đạt 65% (chỉ tiêu trên 55%).

3. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.

3.1. Mục tiêu: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn; Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.

3.2. Kết quả thực hiện:

Giai đoạn 2016 - 2020, đã thực hiện hỗ trợ 1.052 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 33 xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Nhìn chung, các địa phương đã triển khai thực hiện dự án đúng đối tượng, đúng định mức và đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện lồng ghép nhiều hoạt động tập huấn của ngành nông nghiệp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã làm thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

4. Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

[...]