Kế hoạch 301/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 301/KH-UBND
Ngày ban hành 18/05/2022
Ngày có hiệu lực 18/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 301/KH-UBND

An Giang, ngày 18 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRONG TÌNH HÌNH MỚI ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2014-2020

Giai đoạn 2014-2020, thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2014 về kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh An Giang; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân, phổ biến các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; triển khai thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác gia đình; Lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình với Luật Bình đẳng giới. Chú trọng nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm của tỉnh; Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).

Tỉnh đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang; Cơ bản đã thực hiện đạt và vượt 06/07 chỉ tiêu; tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn và hạn chế (có 01 chỉ tiêu thực hiện chưa đạt: Chỉ tiêu cụ thể qui định đến 2020 đạt 100% lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ nhưng đến năm 2020 chỉ đạt 95,71%, thấp hơn sơ với chỉ tiêu đưa ra). Để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025; trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, rút kinh nghiệm của giai đoạn 2014 - 2020 và điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề ra Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2025.

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh với những nội dung như sau:

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện kịp thời mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, các cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư về công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần số vụ bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung trong Kế hoạch phải có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp; lồng ghép với các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời có sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc, tồn tại.

Gắn công tác phòng, chống bạo lực gia đình với thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh An Giang và các chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tại các khóm, ấp, tổ dân phố.

Mục tiêu 2: Phấn đấu 100% các Đài truyền thanh cấp huyện có chương trình phát thanh định kỳ về phòng, chống bạo lực gia đình và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh An Giang có chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình được phát sóng định kỳ.

Mục tiêu 3: Đạt trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình.

Mục tiêu 4: Phấn đấu đạt 95% những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe.

Mục tiêu 5: Phấn đấu đạt trên 80% những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực.

Mục tiêu 6: Phấn đấu đạt 90% các khóm, ấp, tổ dân phố có cộng tác viên dân số thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.

Mục tiêu 7: Đạt 95% xã, phường, thị trấn duy trì Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

Mục tiêu 8: Đạt 90% người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

[...]