Kế hoạch 2954/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 2954/KH-UBND
Ngày ban hành 22/07/2024
Ngày có hiệu lực 22/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2954/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 22 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 19/CT-TTG NGÀY 24/6/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở NHIỀU TẦNG, NHIỀU CĂN HỘ, NHÀ Ở RIÊNG LẺ KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (Chỉ thị số 19/CT-TTg),

Theo đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 3774/TTr-CAT-PCCC ngày 10/7/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-TTg; xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg là nội dung công tác trọng tâm, được tiến hành quyết liệt, đồng bộ, lồng ghép với các các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

2. Cụ thể hóa các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ đã đề ra. Phân công, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ được giao; chủ động, quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

3. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực, nguồn nhân lực để thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được phân công. Quá trình triển khai thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện, nhanh và hiệu quả nhất các nội dung của Chỉ thị số 19/CT-TTg bằng các hình thức phù hợp đến các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; đồng thời ban hành ngay chương trình, kế hoạch triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg và Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

2. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị, Công điện, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH[*]; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị.

3. Tập trung rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, nhất là đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). Tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác PCCC và CNCH, thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng PCCC gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác PCCC và CNCH.

4. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và CNCH. Gắn phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và CNCH.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC và CNCH nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và thủ trưởng các đơn vị có liên quan để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC và CNCH.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác PCCC và CNCH, nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn (thực hiện thường xuyên).

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ, Bộ Công an bổ sung các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh trong dự án Luật PCCC và CNCH (thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an).

- Tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh để tham mưu, hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả (thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an).

- Phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC phù hợp với điều kiện thực tế địa phương trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC do đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng công bố (thực hiện xong trước ngày 05/8/2024).

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và CNCH. Tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, nhất là trong những ngày nắng nóng; tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp cho học sinh, sinh viên, trẻ em trong thời gian nghỉ hè với hình thức phù hợp. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; rà soát nhân rộng điển hình tiên tiến, hướng dẫn xây dựng các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và CNCH (thực hiện thường xuyên).

- Chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND tỉnh ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp (thực hiện xong trước ngày 30/3/2025). Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.

- Tiếp tục rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương, cơ sở thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13/2022/NĐ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 3680/KH-UBND ngày 21/9/2022 của UBND tỉnh về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2021/QH10 có hiệu lực; hướng dẫn khắc phục và xử lý dứt điểm toàn bộ các công trình hiện hữu vi phạm chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, không để phát sinh các công trình vi phạm mới (thực hiện xong trong năm 2024).

- Chủ trì rà soát danh sách các cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (thực hiện xong trước ngày 05/8/2024).

2. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC phù hợp với điều kiện thực tế địa phương trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC do đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng công bố (thực hiện xong trước ngày 05/8/2024).

- Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về nguồn nước phục vụ công tác PCCC, nhất là khi lập dự án, quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư và triển khai các giải pháp đảm bảo hạ tầng nguồn nước phục vụ PCCC tại văn bản số 5067/UBND-NCKS ngày 15/12/2022 của UBND tỉnh (thực hiện thường xuyên).

- Thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (theo phân công, phân cấp); trong quá trình cấp phép xây dựng cải tạo đối với các loại hình trên, phải kiên quyết yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp, điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác này của UBND cấp huyện (thực hiện thường xuyên).

[...]